Thùng thuốc súng chờ nổ

Vụ hỏa hoạn gây chết người mới đây tại một khu lán trại chứa hàng nghìn người tị nạn ở Hy Lạp đã thổi bùng lên lo ngại về những rủi ro phát sinh khi “lục địa già” tiếp tục tiếp nhận người di cư, đặc biệt là ở các quốc gia “cửa ngõ” châu Âu như Hy Lạp hay Italia.

Biếm họa của DARIO BANEGAS
Biếm họa của DARIO BANEGAS

Moria là trại tị nạn lớn nhất của châu Âu, nằm trên đảo Lesbos của Hy Lạp, ban đầu có sức chứa khoảng 3.000 người song trên thực tế số người tại đây hiện lên tới 13.000. Ngày 29-9 vừa qua, tại lán trại này đã xảy ra một vụ hỏa hoạn, khiến hai người thiệt mạng, khi một nhóm người di cư có hành vi đốt phá, yêu cầu được chuyển vào đất liền. Một ngày sau vụ hỏa hoạn, Hy Lạp tuyên bố nước này muốn gửi hàng nghìn người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt áp lực đối với các khu trại đang tràn ngập người tị nạn. Theo đó, Athens mong muốn từ nay đến cuối năm 2020 có thể đưa 10.000 người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố nói trên của Chính phủ Hy Lạp dĩ nhiên xuất phát từ tình trạng quá tải người tị nạn mà nước này đang phải đối mặt. Song theo đánh giá của Tổ chức cứu trợ Oxfam, vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria là hệ quả từ chính sách di cư của Liên hiệp châu Âu (EU). Hiện bất đồng về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở các nước Trung, Đông và Tây Âu, trong khi ngay cả các “đầu tàu” của EU là Đức và Pháp cũng đang thể hiện quan điểm trái ngược về việc nên tiếp tục “mở cửa” hay không với dòng người di cư vẫn đang lũ lượt đổ về “miền đất hứa”, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.

Những mâu thuẫn nói trên vô hình trung gây thêm áp lực lên các nước “cửa ngõ” EU, nơi người tị nạn cập bến đầu tiên. Tính đến nay, Hy Lạp đã tiếp nhận khoảng 70.000 người tị nạn và di cư. Theo Athens, chỉ trong ba tháng trở lại đây, khoảng 10.000 người đã đặt chân lên đảo Lesbos. Số liệu nói trên chính là hồi chuông báo động về chính sách đối phó làn sóng di cư, tị nạn của giới chức EU. Vụ hỏa hoạn ở trại Moria dường như mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Nếu không kịp thời có giải pháp phù hợp thì về lâu dài, tình trạng quá tải người tị nạn sẽ chẳng khác nào “thùng thuốc súng chờ nổ”.