Sao đổi ngôi

Hiện tượng “sao đổi ngôi” đã diễn ra trên chính trường châu Âu, khi kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua cho thấy liên minh cầm quyền tại các nước lớn như Đức, Pháp, Anh... đều ngày càng giảm sút uy tín. Trong khi đó, một số đảng đối lập từng thua thảm trong những cuộc bầu cử trước đây, nay lại giành số phiếu cao nhất.

Biếm họa của STEPHANE PERAY
Biếm họa của STEPHANE PERAY

Cuộc bầu cử EP đã diễn ra trong các ngày từ 23 đến 26-5 tại các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và bất ngờ đã xảy ra tại Đức khi cả ba đảng trong “đại liên minh” cầm quyền đều mất phiếu trầm trọng. Theo “hạn ngạch” ghế EP được phân bổ, Đức có 96 ghế. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) giành được 28,1% số phiếu, giảm 7,2% so cuộc bầu cử năm 2014. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) chỉ được 15,5% số cử tri ủng hộ, giảm tới 11,8% so 5 năm về trước. Như vậy, tổng cộng, số phiếu ủng hộ “đại liên minh” cầm quyền ở Đức trong cuộc bầu cử này giảm tới 19%.

Trong khi đó, tại Pháp, đảng cầm quyền của đương kim Tổng thống E.Macron cũng đã “mất điểm” nghiêm trọng đối với cử tri và chỉ về nhì sau đảng cực hữu của bà Marine Le Pen. Các số liệu do Bộ Nội vụ Pháp công bố cho thấy, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen dẫn đầu với 23,4% số phiếu, trong khi đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Macron chỉ giành được 22,4% số phiếu bầu.

Tại một nước lớn khác của châu Âu là Anh, kết quả bầu cử EP cũng chứng tỏ cử tri không còn dành nhiều niềm tin cho đảng cầm quyền, khi kết quả chưa chính thức công bố hôm 27-5 cho thấy đảng dân túy do ông Nigel Farage lãnh đạo với tư tưởng bài châu Âu dẫn đầu với 31,6% số phiếu ủng hộ. Trước kết quả này, Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ “rất thất vọng” về kết quả bầu cử khi đảng Bảo thủ của bà trở nên yếu thế trước đảng dân túy phản đối EU vừa mới thành lập năm nay.

Vệc các đảng và liên minh cầm quyền tại những nước lớn trong EU giảm sút uy tín và sự ủng hộ, trong khi các đảng theo đường lối cực hữu giành được kết quả đột phá trong bầu cử EP lần này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc EU đang đứng trước nguy cơ ngày càng chia rẽ. Theo đó, thời gian tới, việc tìm được “tiếng nói chung” ở cơ quan lập pháp cao nhất của EU sẽ trở nên khó khăn hơn nữa.