Nước đến chân mới nhảy

Ngày 4-2, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, để triển khai hàng nghìn Vệ binh quốc gia tại Đồi Capitol đến giữa tháng 3-2021, Chính phủ Mỹ sẽ phải bỏ ra gần 500 triệu USD nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ bạo loạn tại địa điểm này. 

Biếm họa của DAVE WHAMOND
Biếm họa của DAVE WHAMOND

Theo AP, hàng nghìn vệ binh từ tất cả 50 bang, ba vùng lãnh thổ và Thủ đô Washington D.C đã được triển khai tại Thủ đô của Mỹ sau cuộc bạo loạn ngày 6-1 vừa qua tại Đồi Capitol. Do những lo ngại về tiến công có thể lặp lại tại lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, lực lượng vệ binh đã tăng cường an ninh bằng cách dựng các hàng rào chung quanh tòa nhà Quốc hội và các khu vực lân cận, cũng như tiến hành những hoạt động tuần tra an ninh. 

Vào thời gian cao điểm của hoạt động trên, có khoảng 26.000 binh sĩ được triển khai ở Thủ đô Washington D.C trước khi rút xuống còn khoảng 7.000 lính. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, khoảng 5.000 vệ binh dự kiến sẽ được giữ lại bảo vệ Đồi Capitol cho đến ít nhất là giữa tháng 3 tới. Lầu năm góc không nêu chi tiết các mối đe dọa cụ thể khiến họ chấp thuận yêu cầu trên, trong khi Bộ An ninh nội địa cảnh báo về các mối đe dọa từ các phần tử cực đoan trong nước vẫn tồn tại sau lễ nhậm chức của ông Biden. Theo truyền thông Mỹ, một số sự kiện sắp tới có thể bị đe dọa an ninh là phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện, dự kiến bắt đầu vào ngày 9-2 tới. 

Vụ bạo loạn nói trên đã bộc lộ nhiều sơ hở của lực lượng hành pháp Mỹ, khiến người biểu tình dễ dàng khống chế tòa nhà Quốc hội, làm tê liệt hoạt động của các nghị sĩ Mỹ trong nhiều giờ. Theo đánh giá của giới truyền thông “xứ cờ hoa”, lực lượng hành pháp nước này đã không lường trước quy mô và mức độ manh động của đám đông vây Đồi Capitol nên sớm bị áp đảo, dù trước đó lực lượng bảo vệ đã biết được sẽ có một cuộc tuần hành lớn tại địa điểm quan trọng này. 

Thành thử, việc Chính phủ Mỹ chi mạnh tay nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ bạo loạn cũng chỉ do “nước đến chân mới nhảy”, chứ chưa xuất phát từ một kế hoạch bảo vệ có hệ thống và lâu dài đối với cơ quan lập pháp. Vì vậy, dù có tốn kém tới đâu thì Chính phủ Mỹ cũng phải chấp nhận để tránh những vụ việc tương tự.