Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Ngày 29-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mới, với những điều kiện có lợi cho Israel và chưa đáp ứng được nguyện vọng của phía Palestine.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Theo bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mới dài 80 trang, Tổng thống Trump đã đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó Nhà nước tương lai của Palestine sẽ gồm một số khu vực ở dải Gaza và khu Bờ Tây, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời khẳng định Jerusalem sẽ tiếp tục là “thủ đô không thể chia cắt và vô cùng quan trọng” của Israel.

Lâu nay, người dân Palestine nỗ lực để thành lập Nhà nước Palestine bên trong đường biên giới trước cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, với các vùng lãnh thổ như dải Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong đó Đông Jerusalem sẽ là thủ đô. Tuy nhiên, sau cuộc chiến trên, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình, cũng như tuyên bố toàn bộ Jerusalem là “thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt”. Đây là một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án, bởi Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái, đặc biệt là khu vực phía đông, nơi hiện diện của quần thể Haram al-Sharif, trong đó có đền thờ Al-Aqsa và đền thờ Mái Vòm đá.

Trong bối cảnh đó, không khó hiểu khi bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mới do Mỹ đề xuất bị chỉ trích gay gắt. Kể từ khi Washington ủng hộ Jerusalem là thủ đô của Israel và dời đại sứ quán về đây, nhiều nước trên thế giới, kể cả các đồng minh châu Âu thân thiết của Mỹ, đã lên tiếng phản đối do lo ngại bạo lực leo thang giữa Palestine và Israel. Nay, đáng lẽ bản kế hoạch hòa bình trên nên tập trung dung hòa lợi ích giữa hai bên, thì nó lại chỉ thể hiện sự ưu ái với Israel, điều đó càng làm gia tăng những tiếng nói phản đối không chỉ của Palestine mà còn từ dư luận thế giới.

Thành thử, bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mới mà “ông chủ” Nhà trắng tự hào mô tả là “một thỏa thuận thế kỷ” đang có nguy cơ chết yểu. Cuộc xung đột kéo dài dai dẳng hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine sẽ chưa thể có hồi kết nếu áp dụng những sáng kiến “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy.