Nguy cơ “Syria thứ hai”

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực “hạ nhiệt” cuộc xung đột lâu năm ở Libya, song chính những bên trong cuộc lại dường như chưa mấy thiện chí với việc tái tạo hòa bình.

Biếm họa của NAJI BANAJI
Biếm họa của NAJI BANAJI

Dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, phái đoàn của hai bên đối địch ở Libya ngày 12-1 đã tiến hành đàm phán tại Thủ đô Moscow (Nga) nhằm cố gắng đi đến một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện và không hạn chế thời gian. Tuy nhiên, bước đột phá đã không xuất hiện như kỳ vọng sau khi Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng Quân đội miền đông Libya (LNA), đã rời khỏi Moscow mà không ký kết thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt nhiều tháng xung đột tại quốc gia này. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya, ông Fayez al-Sarraj cho biết, điều kiện tiên quyết để thực thi một lệnh ngừng bắn tại quốc gia này là lực lượng miền đông phải rút khỏi Thủ đô Tripoli.

Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo M.Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận, do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở Thủ đô Tripoli; trong khi LNA của tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền đông.

Tình trạng chia rẽ chính trị khiến các nước châu Âu và Bắc Phi buộc phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để cố gắng ngăn Libya trở thành “Syria thứ hai”. Trong bối cảnh đó, ngày 14-1 vừa qua, Chính phủ Đức xác nhận quốc gia này sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cùng đại diện của các bên đối lập tại Libya, tới tham dự hội nghị.

Hội nghị được xem là động thái hỗ trợ các nỗ lực của LHQ để tháo gỡ cuộc khủng hoảng Libya cũng như tiến trình hòa giải tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc các bên đối địch ở Syria vẫn còn hướng ánh mắt nghi kỵ về phía nhau có nguy cơ khiến kết quả hội nghị được dự đoán sẽ không mấy khả quan. Theo giới phân tích, chỉ khi nào các bên liên quan xung đột tại Libya bày tỏ đầy đủ thiện chí, thì các cuộc đàm phán hòa bình mới có triển vọng.