Nguy cơ chậm trễ

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien mới đây đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) thêm một năm mà không có điều kiện nào đi kèm, đồng thời cho rằng cả hai bên đều phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân trong suốt thời gian này.

Biếm họa của CASE
Biếm họa của CASE

Theo đề xuất ngày 16-10 của Nga, New START sẽ được gia hạn thêm một năm song Moscow không tuân thủ điều kiện là phải “khóa” kho vũ khí của mình theo yêu cầu của Mỹ. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông O’Brien nêu rõ: “Phản hồi hôm nay của Tổng thống Putin về việc gia hạn New START mà không giữ nguyên số đầu đạn hạt nhân là một đề nghị không khả thi”. Theo ông O’Brien, Mỹ đã đề xuất gia hạn New START thêm một năm để hai bên có thời gian kéo dài đàm phán về các tiến trình gia hạn tiếp theo cho tới sau thời điểm hiệp ước hết hiệu lực vào tháng 2-2021, kèm theo điều kiện là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này phải “đóng băng” số lượng đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn tạm thời này.

New START giữa Nga và Mỹ được hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ, ông Dmitry Medvedev và ông Barack Obama ký vào năm 2010, chính thức có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau bảy năm. Mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai. 

Sau khi lên nắm quyền với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump muốn cài đặt lại hoặc rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, trong đó có New START. Thành thử, dù Nga đã bày tỏ thiện chí với việc gia hạn hiệp ước, hơn nữa còn đưa ra đề xuất gia hạn cắt giảm mà không kèm theo điều kiện nào, song Nhà trắng dường như vẫn cố tình gây khó dễ với việc áp đặt các tiêu chí mà Moscow cho là “tối hậu thư”. Việc gia hạn New START vì vậy có nguy cơ chậm trễ, thậm chí đổ bể nếu như Washington tiếp tục giữ nguyên quan điểm cứng rắn như vậy.