Mừng và lo

Kinh tế toàn cầu đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên mức cao nhất kể từ năm 1976. Tuy nhiên, kèm theo “tin vui” nêu trên là mối lo lượng khí CO₂ gia tăng mạnh trở lại trong năm 2021.

Biếm họa của SONG CHEN
Biếm họa của SONG CHEN

Nền kinh tế toàn cầu đã lâm vào khủng hoảng và “kiệt sức” trong năm 2020. Tuy nhiên, dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng lên mức 6% trong năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 70 của thế kỷ trước và cao gần gấp đôi mức dự báo của IMF hồi tháng 10-2020. Khi “cỗ máy kinh tế” của thế giới vận hành mạnh mẽ trở lại, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng theo. Theo đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa cho biết, tình trạng tràn ngập dầu mỏ trên thị trường thế giới đang chấm dứt nhờ nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác giảm sản lượng khai thác. 

Ngay sau khi IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay như trên, IEA nêu rõ: “Việc này đã cải thiện triển vọng cùng với những chỉ số thúc đẩy mạnh mẽ hơn, khiến chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021”. Theo dự báo của IEA, nhu cầu “vàng đen” sẽ tăng khoảng 5,7 triệu thùng/ngày, lên 96,7 triệu thùng/ngày sau mức giảm 8,7 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái. Theo IEA, thị trường dầu mỏ thế giới đang thay đổi mạnh trong sáu tháng cuối năm nay khi cần tới nguồn cung bổ sung gần hai triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng như dự báo. 

Tuy nhiên, hệ lụy của kinh tế tăng trưởng, lượng tiêu thụ dầu mỏ tăng như trên là tác động tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường. Trong báo cáo hằng năm “Rà soát năng lượng toàn cầu” công bố hôm 20-4, IEA cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khí thải CO₂ tăng ở mức lớn thứ hai trong lịch sử trong năm 2021. IEA ước tính lượng khí thải CO₂ trong năm nay sẽ tăng gần 5%, lên mức 33 tỷ tấn, trái ngược sự giảm sút hồi năm ngoái do hoạt động kinh tế trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thực tế nêu trên đòi hỏi cộng đồng quốc tế bên cạnh chống dịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế còn phải chung tay quyết liệt chống phát thải khí CO₂ ngay từ khi guồng máy kinh tế thế giới tăng tốc trở lại năm 2021.