Mũi tên hai đầu

Một loạt tập đoàn và tổ chức công nghệ Mỹ, trong đó có Amazon, Apple và Facebook, vừa cùng ký đơn kiến nghị gửi tòa án liên bang, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại quyết định ngừng cấp thị thực cho các lao động có trình độ cao tới Mỹ làm việc.

Nguồn: TIMES OF INDIA
Nguồn: TIMES OF INDIA

Kiến nghị chung của khoảng 50 tập đoàn và tổ chức công nghệ hàng đầu nhằm ủng hộ đơn kiện của Phòng Thương mại và nhiều tổ chức tại Mỹ chống lại sắc lệnh mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 6.

Trong quyết định ngày 23-6 vừa qua, Tổng thống Trump thông báo tạm ngừng cấp một số loại thị thực việc làm cho người lao động nước ngoài cho đến cuối năm 2020. Đây là động thái mà Nhà trắng cho là hết sức cần thiết, nhằm hỗ trợ các nỗ lực khôi phục nền kinh tế vốn chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Đáng chú ý, trong số các loại thị thực bị tạm dừng xem xét có thị thực H-1B dành cho những lao động tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ.

Sau hơn nửa năm dịch Covid-19 hoành hành, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh, với hơn 5,2 triệu ca nhiễm và hơn 166 nghìn trường hợp tử vong vì Covid-19. Nền kinh tế số một thế giới liêu xiêu, với tốc độ tăng trưởng xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục. Để hỗ trợ người lao động Mỹ trong bối cảnh khó khăn, ông Trump tạm ngừng chào đón người nước ngoài tới Mỹ làm việc cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi ngày bầu cử quan trọng đang đến rất gần.

Tuy nhiên, các tập đoàn công nghệ Mỹ, vốn luôn khát khao có được những nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, thì không nghĩ vậy. Trong đơn kiến nghị, họ nêu rõ việc Tổng thống Trump dừng chương trình cấp thị thực lao động nước ngoài nhằm mục đích bảo vệ việc làm tại Mỹ, song thực tế lại tác động tiêu cực tới chính người lao động, các công ty tuyển dụng và rộng hơn là nền kinh tế Mỹ. Ấy là chưa kể, các đối thủ cạnh tranh ở Canada, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác có thể tận dụng cơ hội này để thu hút thêm nhiều lao động tay nghề cao mà Mỹ chối bỏ.

Xem ra, quyết định của chính quyền Mỹ chẳng khác nào “mũi tên hai đầu”, có thể làm dịu lo lắng của một bộ phận người lao động Mỹ song lại khiến nền kinh tế bỏ lỡ nhiều cơ hội.