Một mình một chiếu

Bốn cường quốc châu Âu đã chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây triển khai quân đội tại Libya. Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ giữa Brussels và Ankara.

Biếm họa của KASIUKLEWICZ
Biếm họa của KASIUKLEWICZ

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp khẩn ngày 7-1, đại diện Anh, Pháp, Đức và Italia đã kêu gọi chấm dứt giao tranh và “sự can thiệp từ bên ngoài tiếp diễn” tại Libya. Tuyên bố khẳng định Liên hiệp châu Âu (EU) tin tưởng mạnh mẽ rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya và rằng một cuộc xung đột mở rộng sẽ gây thêm khổ đau cho dân thường. Tuyên bố của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng không nên can thiệp vào cuộc xung đột tại Libya.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5-1 thông báo quân đội nước này đã bắt đầu được triển khai để hỗ trợ chính quyền tại Tripoli được LHQ công nhận (GNA), đối phó chiến dịch tiến công do lực lượng miền đông của tướng Khalifa Haftar phát động từ năm ngoái. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết mục tiêu của nước này ở Libya không phải “tham chiến”, mà là “ủng hộ chính phủ hợp pháp và tránh một thảm kịch nhân đạo”.

Tuy vậy, chứng kiến cuộc can dự quân sự của Ankara tại Syria trong những năm qua, bên cạnh thành công ít ỏi trong cuộc chiến chống khủng bố, như tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, thì sự hiện diện của binh sĩ nước này ở Syria trên thực tế nhằm tiêu diệt các lực lượng người Kurd vốn luôn bị Ankara coi là “cái gai trong mắt”. Bởi thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi EU lo ngại việc Tổng thống Erdogan đưa quân tới Libya lần này sẽ lại phục vụ cho ý đồ riêng của Ankara, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Thổ Nhĩ Kỳ dường như luôn mang lại phiền toái cho các cường quốc châu Âu và Mỹ, khi nước này thường xuyên hành động quân sự đơn phương mà chẳng cần tham vấn đồng minh, chẳng hạn như việc đưa quân vào miền bắc Syria để tiến đánh lực lượng người Kurd hồi cuối năm ngoái. Cứ với cảnh “một mình một chiếu” như vậy, chẳng chóng thì chày mối quan hệ giữa phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thêm rạn nứt, thậm chí còn có nguy cơ đổ vỡ, khó có thể hàn gắn.