Lựa chọn của NATO

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng và khu vực Trung Đông đang “bên miệng hố chiến tranh”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang Trung Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh NATO đang bước vào “khủng hoảng tuổi 70” giới phân tích cho rằng khối này sẽ thận trọng với đề xuất nói trên của ông chủ Nhà trắng.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Phát biểu ý kiến với các phóng viên tại Nhà trắng cuối tuần qua, Tổng thống D.Trump đã yêu cầu NATO tham gia nhiều hơn nữa ở Trung Đông, bởi Washington đang tìm cách hạn chế sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên toàn cầu. Đáp lại phát biểu của ông Trump, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối này sẽ cân nhắc đóng góp vai trò lớn hơn ở Trung Đông, đặc biệt là trong các nhiệm vụ huấn luyện, sau khi Tổng thống Trump yêu cầu NATO phải hành động nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng bày tỏ quan điểm rằng, để có thể đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, không phải lúc nào cũng triển khai binh sĩ NATO vào những chiến dịch tiến công lớn. Cách tốt nhất là làm cho các lực lượng bản địa có khả năng tự đấu tranh với khủng bố. Theo đó, yêu cầu nói trên của ông Trump sẽ không dẫn đến những hoạt động triển khai quân chiến đấu của NATO với quy mô lớn.

Phản ứng nêu trên của ông Jens Stoltenberg cho thấy NATO tương đối thận trọng trước đề xuất mở rộng sang Trung Đông của Mỹ. Lý do của sự thận trọng này có thể lý giải từ những bất đồng sâu sắc trong nội bộ khối này, nhất là giữa Mỹ và các nước châu Âu thời gian gần đây. Còn nhớ, vào tháng 12-2019, khi Hội nghị cấp cao NATO diễn ra ở London (Anh), giới quan sát đã lo ngại hội nghị này “vỡ trận” trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã coi NATO là “trò đùa cũ rích của EU” nhằm bòn rút tiền của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cũng nặng lời cho rằng NATO là một liên minh “đã rơi vào tình trạng chết não”… Nhiều người gọi đây là thời kỳ “khủng hoảng tuổi 70” của liên minh này kể từ khi ra đời năm 1949.

Trong bối cảnh nội bộ bất đồng như trên, việc mở rộng ảnh hưởng của NATO ở Trung Đông, nơi Mỹ và EU cũng có một số bất đồng về lợi ích, sẽ là lựa chọn không dễ dàng của liên minh này.