Lợi riêng, hại chung

Ngày 4-11, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), đạt được tại Hội nghị LHQ về BĐKH lần thứ 21 tại Pháp (COP21) năm 2015, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Biếm họa của MICHAEL DE ADDER
Biếm họa của MICHAEL DE ADDER

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về BĐKH lên Tổng Thư ký LHQ. Trước đó, ngày 23-10, ông Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định này khi cho rằng Hiệp định Paris sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí, đặt các nhà sản xuất Mỹ trước nguy cơ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm. Nhà trắng cũng nhấn mạnh rằng, thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.

Tuy nhiên, với quyết định đi ngược nỗ lực chung của toàn cầu về giảm thiểu khí thải CO2, động thái của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước cũng như ngay trong chính giới Mỹ. Các quốc gia đồng minh như Đức, Anh và Pháp đã bày tỏ “lấy làm tiếc” trước việc Mỹ khởi động tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định. Về phần mình, Nhật Bản coi việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định là “rất đáng thất vọng”. Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều chính khách đảng Dân chủ khác cũng phản đối bước đi này của ông Trump.

Theo kế hoạch, Nhà trắng sẽ chính thức rút khỏi Hiệp định này vào ngày 4-11-2020, chỉ một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Giới quan sát đánh giá quyết định của Tổng thống Trump nhằm mục đích gây ấn tượng với cử tri, qua đó thu hút thêm những lá phiếu giúp đắc cử nhiệm kỳ hai. Mỹ cũng để ngỏ sẽ đàm phán lại Hiệp định nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước này. Dù vậy, chẳng có gì bảo đảm Nhà trắng sẽ không gây sức ép lên các quốc gia khác nhằm phục vụ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. Thực tế cho thấy, nếu chỉ luôn chăm chăm tới “lợi riêng” mà bỏ qua “hại chung” thì mọi nỗ lực chống BĐKH mà thế giới đang cùng nhau thực hiện sẽ trở nên vô ích.