Không thể phớt lờ

Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa kết thúc tại thành phố Biarritz của Pháp, cũng là lúc tranh cãi dấy lên về “thành công” của kỳ họp.

Biếm họa của MARTIRENA
Biếm họa của MARTIRENA

Kết quả thảo luận trong ba ngày, với danh sách dài các vấn đề toàn cầu, lại chỉ được nêu vắn tắt trong bản tuyên bố dài vỏn vẹn một trang giấy, cho thấy “câu lạc bộ các nước giàu” bất đồng trong hầu hết những chủ đề thảo luận, trong đó có cả quan hệ với nước Nga.

Chưa khi nào diễn đàn G7 lại chịu tác động từ các vấn đề liên quan nước Nga nhiều như hiện tại. Bối cảnh nay khác xa thời điểm 5 năm trước: nhằm đáp trả việc bán đảo Crimea sáp nhập LB Nga, các nhà lãnh đạo G7 đã tẩy chay Hội nghị cấp cao do Nga dự định tổ chức ở Sochi. Các kỳ thảo luận cấp cao của G7 từ đó không có sự góp mặt của Nga; và quan hệ Nga - phương Tây luôn trong tình trạng căng thẳng, với các màn trừng phạt - trả đũa kéo dài.

Có điều, không những trụ vững trong “bão trừng phạt” của Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), mà Nga còn khẳng định vai trò, mở rộng ảnh hưởng khi tham gia giải quyết trong hầu hết các cuộc khủng hoảng, xung đột lớn trên thế giới. Trong đó, vai trò của Nga nổi bật trong các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Syria hay vấn đề hạt nhân Iran, vốn đều là những bài toán khó khiến Mỹ và EU “đau đầu” tìm lời giải. Trong cấu trúc an ninh châu Âu, không thể không tính tới Nga.

Chẳng thế mà, đề xuất mời Nga trở lại diễn đàn của các nước giàu đã được xới lên. Ngay trước thềm Hội nghị ở Biarritz, Tổng thống Pháp E.Macron đã đón tiếp Tổng thống Nga V.Putin. Tổng thống Mỹ D.Trump cũng nhắc lại đề nghị các đồng minh nhanh chóng mời Nga quay lại G7. Nhưng, gắn câu chuyện Nga trở lại G7 với cuộc khủng hoảng Ukraine, một số thành viên tiếp tục từ chối đề xuất của Mỹ.

Dù gì, với G7, để giải quyết phần lớn những vấn đề cấp thiết hiện nay, họ không thể phớt lờ vai trò của Nga. Như lời Tổng thống Macron trong một cuộc nói chuyện với giới ngoại giao Pháp, được Sputnik trích dẫn, cho rằng sẽ không có ổn định, an toàn thật sự nếu châu Âu không có mối quan hệ hòa bình thật sự với Nga.