Khe cửa hẹp

Nguy cơ Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng làm hài lòng các bên giai đoạn hậu Brexit ngày càng hiện rõ, khi ngày 17-11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo các bộ trưởng về khả năng nước này và EU sẽ khó đạt được thỏa thuận thương mại.

Biếm họa của BLOWER
Biếm họa của BLOWER

Phát biểu ý kiến với các thành viên chủ chốt trong chính phủ, Thủ tướng Johnson khẳng định lập trường không thay đổi của ông, đó là “muốn có được một thỏa thuận với EU, nhưng không chấp nhận đánh đổi các nguyên tắc căn bản của nước Anh là chủ quyền lãnh thổ, kiểm soát luật pháp, biên giới, tài chính và đánh bắt cá”. Thủ tướng Johnson cho biết, đoàn đàm phán Anh đang nỗ lực để tìm ra các giải pháp nhằm vẫn bảo đảm chủ quyền lãnh thổ của Anh được tôn trọng. Tuy nhiên, ông thừa nhận không có gì chắc chắn là hai bên sẽ đạt được thỏa thuận này và thời gian cho đàm phán hiện còn rất ít.

Vương quốc Anh đã rời EU vào tháng 1, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình đàm phán cam go để đạt thỏa thuận điều chỉnh gần 1.000 tỷ USD trao đổi thương mại hằng năm trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, dự kiến vào ngày 31-12 tới. Quyền đánh bắt cá cùng những quy định về việc chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh, đồng thời các giải quyết tranh chấp trong tương lai giữa EU với Anh, là những bất đồng chính cản trở một thỏa thuận mà hai bên đang rất cần đạt được. Cho đến nay, cả hai bên đều nói đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong đàm phán nhưng không nói rõ đó là những tiến bộ trong lĩnh vực gì.

Cảnh báo của Thủ tướng Anh về tương lai của thời kỳ hậu Brexit được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ireland  Simon Coveney cho biết, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU sẽ lâm vào khó khăn thật sự nếu không đạt được sự đột phá trong một tuần đến 10 ngày tới. Theo ông, Chính phủ Anh hiểu quá rõ điều gì cần để có được một thỏa thuận trong tuần này. Ông Coveney cho rằng, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận và trường hợp không thể đạt được thỏa thuận cũng không khiến ông cảm thấy bất ngờ. 

Như vậy, triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai bên không mấy khả quan, được giới quan sát nhận định như “khe cửa hẹp”, trong đó mỗi bên cần nhường một bước để có thể đi tới ký kết văn bản định hình tương lai của Anh và EU khi tiến trình chuyển tiếp kết thúc.