Ít chắt chiu, hơn nhiều phung phí

Đại diện 195 quốc gia, vùng lãnh thổ có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) từ cuối tuần trước, tham gia cuộc thảo luận của LHQ nhằm thông qua báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về chống biến đổi khí hậu (IPCC).

Biếm họa của TOM JANSSEN
Biếm họa của TOM JANSSEN

Mục tiêu chính là làm sao ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu lương thực của 10 tỷ cư dân trên thế giới vào giữa thế kỷ này.

Với độ dày 1.200 trang, bản dự thảo của IPCC được đánh giá là báo cáo khoa học đầy đủ nhất, khi đề cập nhiều chủ đề nóng hổi như chống biến đổi khí hậu, hạn chế tình trạng sa mạc hóa và đất đai suy kiệt, quản lý đất canh tác bền vững, an toàn thực phẩm và giảm thải khí nhà kính gây tác hại tới hệ sinh thái, và nhất là hạn chế lãng phí lương thực, thực phẩm.

Theo IPCC, ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm có vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sử dụng nguồn tài nguyên đất đúng cách vừa giúp bảo đảm an ninh lương thực, vừa giúp thanh lọc nước, giảm nguy cơ hạn hán và lũ lụt. Trái lại, canh tác nông nghiệp thiếu hiệu quả và nạn phá rừng lại “đóng góp” tới một phần tư lượng khí nhà kính trên toàn cầu. Việc mở rộng nhanh chóng diện tích trồng trọt vì các mục đích phi lương thực, để chế tạo nhiên liệu chẳng hạn, là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng quy mô lớn, một trong những yếu tố khiến Trái đất ngày một nóng lên.

IPCC cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại là, trong khi thế giới vẫn còn 820 triệu người đói ăn, thì khoảng 30% lượng lương thực, thực phẩm vẫn bị thất thoát mỗi năm. Con số này trùng với ước tính của Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp LHQ (FAO), trong đó lãng phí nhiều nhất là rau củ quả, chiếm 50%, ngũ cốc chiếm 30%... Tình trạng lãng phí thường ở thời điểm sau thu hoạch và do thói quen tiêu dùng của chính con người. Đáng nói, khoản thất thoát lương thực đó đủ nuôi sống tới hai tỷ người mỗi năm.

Ngành nông nghiệp thế giới hiện đối mặt thách thức kép, khi vừa phải sản xuất thêm nhiều lương thực để bảo đảm nhu cầu của con người, vừa phải hạn chế tác hại do phát triển thái quá. Trong khi chờ một giải pháp căn cơ, thì điều thế giới cần làm ngay và quyết liệt, đó là ngăn chặn nạn lãng phí lương thực, bởi “ít chắt chiu, hơn nhiều phung phí!”.