Động thái cần thiết

Trong bức tranh xám của triển vọng kinh tế toàn cầu vừa xuất hiện vài điểm sáng đáng ghi nhận, đó là việc các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có động thái “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại, theo đó giảm bớt “rào cản” đối với tăng trưởng kinh tế.

Biếm họa của LUO JIE
Biếm họa của LUO JIE

Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành nghiêm trọng, hôm 21-2, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 65 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 28-2 tới, và việc miễn tăng thuế này sẽ có hiệu lực một năm. Đáng chú ý là trong các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nằm trong diện miễn áp thuế bổ sung có cả phụ tùng máy bay và trang thiết bị y tế. Trước đó, hôm 18-2, Trung Quốc cũng thông báo miễn áp thuế bổ sung đối với 696 loại hàng hóa của Mỹ, cho thấy Trung Quốc cần nhập một số vật tư y tế, nhu yếu phẩm phục vụ chống dịch Covid-19, đồng thời thể hiện Bắc Kinh nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận thương mại Trung - Mỹ giai đoạn một, bất chấp dịch Covid-19 đang tác động lớn đến đời sống xã hội nước này.

Một động thái đáng chú ý khác là việc Nhật Bản và Hàn Quốc vừa ấn định thời điểm nối lại đối thoại thương mại. Bộ Thương mại Nhật Bản hôm 21-2 cho biết, hai bên đã nhất trí tổ chức đối thoại về các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào ngày 10-3 tới. Phía Hàn Quốc cũng đã lên tiếng xác nhận hai bên sẽ tổ chức đối thoại vào tháng tới để tìm cách tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương đã kéo dài nhiều tháng qua. Trước đó, quan hệ Nhật - Hàn đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 7-2019, sau khi Tokyo áp dụng các quy định ngặt nghèo hơn với hoạt động xuất khẩu sang Seoul ba loại vật liệu quan trọng cho việc sản xuất vật liệu bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng. Các ngành sản xuất công nghiệp, lĩnh vực thương mại, hàng không, du lịch của hai nước đã thiệt hại nặng nề do căng thẳng thương mại Nhật - Hàn leo thang.

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc - Mỹ, Nhật Bản - Hàn Quốc “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại như trên có thể chỉ là “giải pháp tình thế”, các cuộc chiến thương mại có thể không sớm kết thúc, song những động thái này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh “sức khỏe” kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế nói riêng đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.