Đồng minh, không đồng lòng

Hy Lạp mới đây bác bỏ thông tin nước này đã đồng ý đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự trung gian của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm giảm căng thẳng tại khu vực phía đông Địa Trung Hải. 

Biếm họa của DERKAOUI ABDELLAH
Biếm họa của DERKAOUI ABDELLAH

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hy Lạp nêu rõ: “Thông tin được công bố khẳng định Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiến hành cái gọi là “đàm phán kỹ thuật” về giảm căng thẳng ở đông Địa Trung Hải là không đúng với thực tế”. Tuyên bố nhấn mạnh, việc giảm căng thẳng sẽ chỉ diễn ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút toàn bộ tàu ra khỏi thềm lục địa Hy Lạp. Trước đó vài giờ, Tổng Thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg thông báo, hai nước đồng minh trong NATO này đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán kỹ thuật nhằm thiết lập các cơ chế nhằm tránh nguy cơ xảy ra va chạm và sự cố tại đông Địa Trung Hải. Đây là một phần trong các biện pháp giảm xung đột quân sự theo sáng kiến “hạ nhiệt” căng thẳng do NATO bảo trợ. 

Căng thẳng giữa hai nước đồng minh NATO gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải những tuần gần đây. Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở đông Địa Trung Hải khiến tranh chấp giữa hai bên có nguy cơ leo thang thành đối đầu.

Giữa cơn sóng gió, NATO đã đứng ra kêu gọi hai bên kiềm chế các hành vi làm gia tăng căng thẳng, song đến nay, xem ra vẫn chưa có bên nào tuân thủ động thái dàn hòa của tổ chức này. Những diễn biến hiện nay gợi nhắc lại phát biểu của Tổng thống Pháp E.Macron hồi cuối năm ngoái, rằng “NATO dường như đang chết não”, ám chỉ sự lung lay nội bộ cũng như mức độ ngày càng suy yếu của khối quân sự này. Lo ngại trên của ông Macron không phải không có cơ sở, bởi nguy cơ xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc TTK NATO Jens Stoltenberg “thay mặt” Hy Lạp để dàn xếp mà chưa có sự đồng ý của Athens, cho thấy một số thành viên NATO đang trong tình cảnh “đồng minh, không đồng lòng”.