Đôi bên cùng... thiệt!

Chính phủ Australia và Facebook đang ráo riết đàm phán tìm giải pháp cho “cuộc chiến lợi ích” vốn leo thang những ngày qua. Sau cuộc thảo luận kéo dài hôm 19-2, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg tiếp tục đối thoại với “ông chủ” của mạng xã hội đình đám Mark Zuckerberg cuối tuần qua. 

Biếm họa của AREND VAN DAM
Biếm họa của AREND VAN DAM

Tranh chấp khởi nguồn từ dự luật Bộ quy tắc thương lượng truyền thông mà Quốc hội Australia đang xem xét để thông qua. Trong đó, có quy định buộc các hãng công nghệ lớn như Google và Facebook phải trả chi phí cho những nội dung thông tin từ báo chí được chia sẻ trên các nền tảng số. Chính phủ Australia cho rằng, thông tin báo chí góp phần làm tăng doanh thu cho các “ông lớn công nghệ”, vì thế họ nên trả tiền. 

Facebook lại không nghĩ vậy, mà cho rằng dự luật của Australia không đưa ra định nghĩa rõ ràng về nội dung thông tin báo chí; và về cơ bản, hiểu sai mối quan hệ giữa mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Theo Facebook, các tổ chức truyền thông sử dụng nền tảng số để chia sẻ tin tức. Vì thế, không có lý do để Facebook phải trả chi phí cho việc xuất bản tin tức của các hãng truyền thông. 

Để phản đối, Facebook hạn chế tính năng chia sẻ tin tức tại Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin của các hãng truyền thông Australia. Một loạt dịch vụ khẩn cấp của cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như các mạng dịch vụ cứu hỏa, y tế và cả các trang về đại dịch Covid-19, cảnh báo cháy rừng và lốc xoáy… 

Thiệt hại với Australia là rõ rệt. Đại dịch hoành hành, nhiều cộng đồng thiếu thông tin và cần sự giúp đỡ, chính phủ đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 và thu hút sự chú ý của người dân qua các nền tảng số. Trong bối cảnh ấy, việc Facebook chặn các nguồn thông tin càng khiến người dùng ở Australia thêm bất bình.

Danh tiếng của Facebook giảm sút, khi mạng xã hội này nhận những lời chỉ trích gay gắt vì “hủy kết bạn” với Australia. Việc chặn thông tin bị coi như hành động của “kẻ bắt nạt”, coi thường chính phủ và pháp luật quốc gia, có thể dẫn tới làn sóng tẩy chay của người dùng. Một loạt nước, nhất là ở châu Âu, kêu gọi phát động chiến dịch toàn cầu nhằm hạn chế sự độc quyền của các hãng công nghệ… 

Trong cuộc tranh chấp này, cả Australia và Facebook rõ ràng đều thiệt hại. Bởi thế, đối thoại tìm cách thoát khỏi tình cảnh hiện nay cần được ưu tiên.