Điều khoản thoát hiểm

Không chỉ đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân, đẩy các nền kinh tế thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) cận kề bờ vực suy thoái, dịch Covid-19 còn phá vỡ những nguyên tắc “bất di bất dịch” và là niềm tự hào của EU. Trong đó, để ứng phó sự lây lan của dịch Covid-19, lần đầu trong lịch sử, EU chấp nhận cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu.

Biếm họa của NIELS BO BOJESEN
Biếm họa của NIELS BO BOJESEN

Tại cuộc họp trực tuyến hôm 23-3, các Bộ trưởng Tài chính EU đã đồng ý đình chỉ quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt ngân sách của khối. Quy định mới còn được gọi là “điều khoản thoát hiểm”, giúp các chính phủ linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh xã hội, cũng như hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, các nước thành viên được phép chi tiêu không giới hạn cho việc mua sắm thiết bị y tế, mở rộng các bệnh viện và thực hiện các biện pháp cách ly, phòng dịch.

Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2011, văn kiện mang tên Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của EU được ban hành để thắt chặt các quy định về nợ công và thâm hụt ngân sách, nhằm bảo vệ khối tiền tệ chung trước những “cú sốc” tiềm tàng. Theo đó, giới hạn thâm hụt ngân sách hằng năm của một nước thành viên Eurozone ở mức trần 3% GDP, nợ tích lũy dưới 60% GDP.

Dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm đang đặt các nước EU trước vô vàn khó khăn, buộc các chính phủ thành viên “phá rào”, chi vượt quy định chỉ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh và duy trì các hoạt động kinh tế. Ngoài “rốn dịch” ở châu Âu là Italia đã bị “tuýt còi”, Pháp và Bỉ cũng bỏ qua quy tắc khi bổ sung hàng chục tỷ euro để chống dịch và khôi phục sản xuất, thương mại. Ngay cả Đức, vốn tuân thủ chặt chẽ quy định về cân bằng ngân sách, cũng dành cả trăm tỷ euro hỗ trợ giảm thiểu tác động của dịch Covid-19... Giới lãnh đạo EU cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế ở Eurozone và cả EU, khi dịch bệnh đang khiến nhiều nền kinh tế khu vực gần như tê liệt.

Nhất trí về “điều khoản thoát hiểm” đồng nghĩa EU chấp nhận “đóng băng” đặc quyền giám sát đối với chi tiêu của các nước thành viên. Song, trong hoàn cảnh hiện tại, đó là biện pháp thích hợp nhằm hợp lực ngăn chặn hiểm họa từ dịch bệnh và nguy cơ suy thoái kinh tế châu lục.