Đèn nhà ai, nhà nấy rạng

Căng thẳng vẫn gia tăng giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia khi Ethiopia vẫn nhất quyết tiến hành giai đoạn tích nước thứ hai cho đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) mà không có thỏa thuận với các nước liên quan. 

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Ngay từ năm 2011, khi Ethiopia khởi công xây dựng GERD với khả năng sản xuất hơn 6.000 megawatt điện và khi hoàn thành sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất của châu Phi, các cuộc tranh cãi đã nổ ra vì Ai Cập và Sudan cho rằng, GERD sẽ tích trữ phần lớn nguồn nước sông Nile và gây thiệt hại nặng nề cho hai quốc gia này. Thậm chí, kể cả khi ba nước liên quan đã nhất trí thuê hai công ty tư vấn của Pháp là Atrelia và BRL để đánh giá các tác động của GERD xây trên nhánh sông Nile xanh (cùng Nile trắng là hai phụ lưu chính của sông Nile) đối với các quốc gia vùng hạ lưu như Ai Cập và Sudan, thì con đập vẫn được Ethiopia xây dựng. 

“Cuộc chiến” tranh chấp nguồn nước sông Nile trở nên cao trào khi Ethiopia cho biết sẽ tiến hành tích nước đợt hai cho GERD, với lượng nước ước tính lên tới 13,5 tỷ m³. Giai đoạn tích nước đầu tiên đã hoàn thành vào tháng 7-2020, với 4,9 tỷ m³. Cả Ai Cập và Sudan gần đây đều tuyên bố sẽ kiện Ethiopia nếu nước này tiếp tục “ăn chặn” nguồn nước sông Nile, để ngỏ khả năng đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp. Thái độ cứng rắn của Ai Cập và Sudan được đưa ra sau khi vòng đàm phán ba bên mới nhất về GERD ở Kinshasa (CHDC Congo) hồi đầu tháng 4 vừa qua kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Việc Ethiopia từ chối một số đề xuất của Ai Cập và Sudan về cơ chế đàm phán, bao gồm vai trò hòa giải của cộng đồng quốc tế, đã dẫn đến sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán này.

Sông Nile cung cấp nguồn nước đáp ứng khoảng 97% lượng nước tưới và nước sinh hoạt của Ai Cập, do đó nước này lo ngại GERD đe dọa nghiêm trọng nguồn cung cấp nước. Trong khi đó, Sudan lo ngại các con đập của nước này có thể bị tổn hại nếu Ethiopia hoàn thành GERD. Theo nhận định của các nhà phân tích, việc đạt được một thỏa thuận chung ba bên về GERD sẽ là yếu tố giảm căng thẳng, bởi nếu Ethiopia tiếp tục giữ quan điểm “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” như hiện nay thì cuộc tranh chấp nguồn nước sông Nile sẽ không bao giờ ngã ngũ, thậm chí tranh cãi ba bên có nguy cơ leo thang thành xung đột trong khu vực.