Chỉ mành treo chuông

Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vừa tiến thêm một bước tới gần bờ vực sụp đổ, sau khi ba nước châu Âu tham gia ký kết là Anh, Pháp và Đức tuyên bố kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận, kèm theo cáo buộc Tehran vi phạm các điều khoản của JCPOA.

Biếm họa của LUO JIE
Biếm họa của LUO JIE

Trong tuyên bố chung hôm 16-1, các Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Pháp và Đức yêu cầu Iran tuân thủ triệt để thỏa thuận ký năm 2015, nếu không muốn các lệnh trừng phạt của LHQ được áp đặt trở lại. Các cường quốc châu Âu khẳng định vẫn mong muốn thỏa thuận hạt nhân với Iran được duy trì, song họ buộc phải hành động để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cho biết họ không ủng hộ chính sách của Mỹ gây áp lực tối đa với Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kamp-Karrenbauer xác nhận, thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được gửi tới Anh, Pháp và Đức, trong đó dọa áp mức thuế 25% đối với ô-tô nhập khẩu từ châu Âu, nếu ba nước này không chính thức tuyên bố Iran vi phạm JCPOA. Song, quan chức quốc phòng Đức khẳng định, quyết định kích hoạt “cơ chế tranh chấp” theo JCPOA không liên quan động thái gây sức ép của Mỹ, mà được đưa ra trên cơ sở quyết định của Tehran tuyên bố ngừng tuân thủ các cam kết.

Lập tức, Iran phản bác cáo buộc của ba nước châu Âu, đồng thời khẳng định chính những nước này mới vi phạm JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif dẫn chứng việc ba nước châu Âu không mua dầu mỏ và rút các công ty của họ khỏi thị trường Iran, thất hứa trong việc bảo vệ nền kinh tế Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tehran nhấn mạnh rằng tương lai của JCPOA giờ đây phụ thuộc châu Âu, cụ thể hơn là khả năng chống chọi của ba cường quốc “lục địa già” trước hành động “bắt nạt” của Mỹ.

Là một bên tham gia JCPOA, Nga khẳng định không có cơ sở để kích hoạt “cơ chế tranh chấp”, thậm chí động thái này sẽ khiến bản thỏa thuận trở nên “bất khả thi”.

Khi kích hoạt điều khoản gây tranh cãi trong JCPOA, cả Anh, Pháp và Đức đã cho thấy họ đánh mất động lực cứu vãn bản thỏa thuận vốn đã rất mong manh. JCPOA bị đặt vào thế “chỉ mành treo chuông”, bởi các lệnh trừng phạt Iran nếu được tái áp dụng sẽ đặt dấu chấm hết cho bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử.