Xây dựng chính quyền số và kinh tế số

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã và đang tham gia chuyển đổi số tích cực để thích ứng tình hình mới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, chính quyền và các sở, ngành liên quan cũng chủ động thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

TP Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ số.
TP Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ số.

Hiệu quả trên tất cả các mặt

Trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tăng cường bán hàng trực tuyến (online). Mặt khác, thông qua các nền tảng trực tuyến, không ít DN đã cho nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà. Điển hình như: Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đã vận hành ứng dụng nền tảng hội chợ trực tuyến với 50 gian trưng bày trên mạng internet và dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên 100 gian hàng. Nhờ đó, các DN trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ không bị gián đoạn việc tìm kiếm thị trường, khách hàng trong đợt dịch vừa qua.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã chủ động xây dựng lộ trình và thực hiện số hóa toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, mức độ tự động hóa cao trong khâu quản lý vận hành đã giúp EVNHCMC không ngừng nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện. Cụ thể, số lần mất điện bình quân một khách hàng trong năm (SAIFI) đã giảm từ 6,72 lần (năm 2015) xuống còn 0,78 lần (năm 2019). Tương ứng, thời gian mất điện bình quân một khách hàng (SAIDI) giảm từ 720 phút (năm 2015) xuống còn 59 phút (năm 2019) và là một trong số ít các đơn vị đạt 8/8 điểm kỹ thuật theo thang điểm đánh giá của Doing Business. Tổn thất điện năng giảm sâu từ 4,66% (năm 2015) xuống 3,45% (năm 2019), về đích sớm một năm so chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh (Công ty Hệ thống thông tin FPT) cho hay, có DN khi ứng dụng giải pháp số hóa quy trình và giao việc tự động (FPT SPro) đã giảm thời gian trung bình xử lý công việc từ 40 giờ xuống còn 13 giờ, thời gian phê duyệt của lãnh đạo từ 10 giờ xuống chỉ còn 3 giờ, tương đương cắt giảm từ 70% đến 90% thời gian cho doanh nghiệp.

Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của DN sau chuyển đổi số, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni cho rằng, chuyển đổi số giúp DN quản trị được rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là điều kiện để DN tồn tại, thích nghi trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, có tính đào thải cao.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% số thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thấp nhất 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thành phố thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về triển khai chính phủ điện tử.

Đến năm 2030, 100% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm cả thiết bị di động; tăng 40% số dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; giảm 40% số thủ tục hành chính; TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm hai địa phương dẫn đầu về triển khai chính quyền số, kinh tế số… 

Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, ứng dụng chuyển đổi số là xu hướng, đồng thời là lợi ích có tính chất sống còn của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đón đầu xu thế, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố chương trình chuyển đổi số. Một hợp phần quan trọng của kinh tế số là vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng DN. Ngay sau khi UBND TP Hồ Chí Minh công bố chương trình chuyển đổi số, Hiệp hội DN thành phố xác định mục tiêu chuyển đổi số trong cộng đồng DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đưa vào trong các hoạt động để đồng hành cùng doanh nghiệp và phải triển khai nhanh, hiệu quả, đạt kết quả cao.

Về chi phí, theo chương trình chuyển đổi số của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, Hội Tin học sẽ dành khoảng bốn tỷ đồng hỗ trợ khoảng 300 DN nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số trong năm đầu; đồng thời tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Xây dựng chính quyền số và kinh tế số -0
Thời của công nghệ số. 

Tập trung cho các nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Theo Chương trình chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số của thành phố chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 7%. Mới đây, Hiệp hội DN thành phố đã công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các gói giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Chương trình giới thiệu hai gói ứng dụng chuyển đổi số cơ bản: X-Starter (dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp - Startup) và X-SME (dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng ban Điều hành hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp (Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh) cho biết, chương trình chuyển đổi số tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% số lượng doanh nghiệp) với các nhóm doanh nghiệp như: Công ty khởi nghiệp; doanh nghiệp thương mại - dịch vụ; logistics; dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe... “Với nguồn quỹ bốn tỷ đồng, chương trình bước đầu sẽ hỗ trợ miễn phí sáu tháng cho 300 DN sử dụng ứng dụng chuyển đổi số X-Starter và X-SME”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng cho rằng, hiện phần lớn các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nhận thức về chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng số còn khác nhau và luôn trong trạng thái e ngại, sợ hoặc né tránh, chưa dám tiếp cận. Vì vậy, Hiệp hội xác định từ nay đến giữa năm 2021 tập trung để làm sao giúp DN hiểu đúng, nhận thức tốt và từ đó có kế hoạch hành động phù hợp. Đồng thời, tập trung vào công tác tư vấn, hỗ trợ các nguồn lực để các DN sẵn sàng tiếp cận chuyển đổi số. Hội Tin học thành phố sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm giới thiệu, thẩm định, đánh giá công nghệ và các đơn vị cung cấp dịch vụ một cách đủ tín nhiệm, tin cậy, an toàn cho các DN khi ứng dụng. Cùng với đó là vận động các gói hỗ trợ để các DN nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả, chi phí thấp. 

Hiệp hội DN thành phố sẵn sàng kết nối DN với các đơn vị cung cấp, đơn vị thực hiện; tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ để đồng hành cùng DN. “Chuyển đổi số trong DN có nhiều nội dung, nhiều bước, nhưng chìa khóa thành công là DN phải nhận thức, có quyết tâm hành động và tin tưởng, kiên trì, quyết liệt thì mới thành công”, ông Chu Tiến Dũng nêu quan điểm.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh), Trung tâm sẽ tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo giúp DN hiểu rõ hơn về lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động hơn trong hoạch định kế hoạch chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội để thành phố vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hiện, thành phố đang triển khai chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, trong đó số hóa nhiều thủ tục hành chính và tích hợp nhiều dữ liệu để người dân và DN sử dụng. 

“Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN; đồng thời hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực để tiến tới làm chủ công nghệ; tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… làm tiền đề xây dựng chính quyền số và kinh tế số”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thời gian tới, để chương trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chung để triển khai. Cụ thể, có sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chính quyền số, bốn nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số; đồng thời, khẳng định sẽ chuyển đổi số 10 ngành nghề, lĩnh vực gồm: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, lĩnh vực môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực. Mục tiêu, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.