Ưu tiên thúc đẩy tài chính bền vững

Đối với kênh hợp tác tài chính ASEAN, là đơn vị được giao phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì chuỗi hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHT.Ư) ASEAN, năm 2020, Bộ Tài chính ưu tiên thúc đẩy sáng kiến: thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN. Ngoài ra, còn triển khai mạnh mẽ, nhất quán các sáng kiến, như: thúc đẩy tài trợ cơ sở hạ tầng, hợp tác thuế, hải quan... Đó là khẳng định của bà Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, tại buổi họp báo quốc tế diễn ra mới đây. 

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHT.Ư) ASEAN năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHT.Ư) ASEAN năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Theo đó, Bộ Tài chính và NHNN đồng chủ trì Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN, phối hợp các nước thành viên ASEAN triển khai các hoạt động hợp tác tài chính và ngân hàng trong năm.

Theo tiến trình hợp tác đã được Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 phê duyệt, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN lần thứ 6 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 1 đến 2-10-2020. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì điều hành Hội nghị từ Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC), 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Chiều 24-9, tại họp báo quốc tế giới thiệu về Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN tổ chức ở Hà Nội, bà Hoàng Diệu Linh cho biết, gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN, Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam đã đề xuất hai sáng kiến ưu tiên, bao gồm:  “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN lần thứ 6, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN sẽ xem xét và đánh giá tiến độ triển khai lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN và các sáng kiến trong khuôn khổ Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN trong năm.

Hội nghị cũng sẽ có phiên thảo luận với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, những cơ hội và thách thức, cũng như các giải pháp chính sách ở các quốc gia nhằm đối phó tác động của đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Đối với kênh hợp tác tài chính ASEAN, Bộ Tài chính ưu tiên thúc đẩy sáng kiến đó là: thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN. Sáng kiến này xây dựng mục đích là thúc đẩy tài chính bền vững khu vực, thông qua việc phát triển một thị trường vốn bền vững và cụ thể khuyến khích các nước ASEAN phát hành ba bộ trái phiếu đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực ASEAN, gồm: trái phiếu xanh ASEAN, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững ASEAN. Kết quả đầu ra của sáng kiến này, là đã ra đời báo cáo thúc đẩy tài chính bền vững, hoàn thiện lộ trình phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN. Hai sản phẩm này là kết quả trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN trong năm 2020 để thông qua.

Ngoài ra, theo bà Hoàng Diệu Linh, để kế thừa các sáng kiến đang được thực hiện trong ASEAN, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục triển khai các sáng kiến, như: thúc đẩy tài trợ cơ sở hạ tầng, hợp tác thuế, hải quan, tự do hóa dịch vụ tài chính; tiếp tục thúc đẩy tăng cường tài chính bền vững, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, theo Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, NHNN Việt Nam Hoàng Thị Phương Hạnh, trong lĩnh vực NH, Việt Nam đề xuất sáng kiến: thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực. Mục tiêu của sáng kiến là thúc đẩy khả năng liên thông của hệ thống thanh toán bán lẻ của các nước trong khu vực ASEAN, để cung cấp hệ thống thanh toán an toàn, hiệu quả trong khu vực. Trong đó, đưa ra các cơ chế quản lý, xử lý rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống rửa tiền… Về kết quả dự kiến, hiện nay các nhóm công tác về thanh toán của các NHT.Ư các nước phối hợp các hiệp hội NH của ASEAN, đã đưa ra dự thảo về bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi cho khung chính sách thanh toán ASEAN, áp dụng cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới theo thời gian thực.

Ngoài ra, theo ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh văn phòng phụ trách báo chí của Bộ Tài chính, kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN sẽ ra Tuyên bố chung của Hội nghị thể hiện quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, cập nhật các kết quả hợp tác tài chính - NH ASEAN cũng như đưa ra những định hướng chỉ đạo cho các hoạt động hợp tác trong giai đoạn tới. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN trong năm. Ngoài sự kiện nêu trên, sẽ diễn ra các sự kiện quan trọng khác trong khuôn khổ hợp tác tài chính - NH ASEAN, bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 24, Hội nghị Thống đốc NHT.Ư ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHT.Ư. 

Ông Ngô Chí Tùng cho biết thêm, bên lề hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHT.Ư ASEAN sẽ có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp (DN), bao gồm Cộng đồng DN ASEAN, Cộng đồng DN ASEAN - Liên hiệp châu Âu (EU) và Cộng đồng DN ASEAN - Mỹ. Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHT.Ư ASEAN cũng sẽ có phiên thảo luận với Thứ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề cùng quan tâm. Đến thời điểm hiện nay, công tác phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị và các hoạt động liên quan đã được Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam hoàn thành, bảo đảm sẵn sàng cho các hoạt động trong tiến trình Hội nghị diễn ra tốt đẹp, xứng tầm vai trò Chủ tịch ASEAN mà Việt Nam đảm trách.