Tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát

Chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ - Trung Quốc leo thang sẽ tác động tới Việt Nam ở trên cả hai góc độ tích cực và tiêu cực, trong đó ảnh hưởng tiêu cực và tác động nhanh nhất là vấn đề tỷ giá. Sức ép biến động tỷ giá năm nay sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ để hóa giải, nhờ đó tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, với khoảng biến động ở khoảng 2%.

Vấn đề tỷ giá vẫn đang được NHNN kiểm soát tốt theo mục tiêu đã đề ra. Ảnh: NG.NAM
Vấn đề tỷ giá vẫn đang được NHNN kiểm soát tốt theo mục tiêu đã đề ra. Ảnh: NG.NAM

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ báo hiệu cuộc CTTM Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu leo thang, đồng USD trên thế giới duy trì ở mức cao, trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lẫn thị trường tự do trong nước đã tăng vọt. Trong vòng bốn ngày từ 6 đến 9-5, tỷ giá USD tại các NH liên tục trong xu hướng đi lên, với mức tăng 100 - 120 VND ở cả hai chiều, đẩy giá bán lên quanh mức 23.460 VND/USD. Ở nhiều phiên giao dịch, các NH điều chỉnh bảng niêm yết tỷ giá tới cả chục lần trong một ngày. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5, tỷ giá có thời điểm “hạ nhiệt”, song vẫn luôn có những “sóng” tăng - giảm khó lường. Phiên giao dịch sáng 14-5, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 7 đồng lên mức 23.054 đồng/USD so phiên trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.746 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.362 đồng/USD. Một số NH có giao dịch ngoại tệ lớn đồng loạt tăng giá đồng USD với mức phổ biến 50 đồng/USD mỗi chiều mua - bán so phiên kề trước. Giá mua thấp nhất ở mức 23.268 VND/USD, cao nhất là 23.330 đồng/ USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá thấp nhất ở mức 23.410 VND/USD, cao nhất là 23.450 đồng/USD.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, Việt Nam có nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. VND nếu có biến động vẫn sẽ trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu cho biết, việc tỷ giá biến động những ngày qua chưa tác động ngay đến hoạt động kinh doanh nhưng cũng gây ra không ít lo ngại. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh sẽ tác động đến giá cả nguyên vật liệu, thậm chí lạm phát, lãi suất cũng bị tác động, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của DN.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra nhận định, áp lực tỷ giá năm nay vẫn lớn, có xu hướng tăng khi cuộc CTTM chưa tới hồi kết. Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố tích cực hỗ trợ tỷ giá như dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực. Bên cạnh đó là cách ứng xử linh hoạt của NHNN trong sử dụng công cụ và điều hành tỷ giá trung tâm. Tỷ giá năm nay có biến động ở một số thời điểm khác nhau, nhưng chỉ khoảng 2%.

Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì nhận định, khi CTTM Mỹ - Trung Quốc đứng trước nguy cơ leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là diễn biến đồng nhân dân tệ (CNY). Trong khi đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tỷ giá USD/ CNY dù đã tăng nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh của năm 2018. Ngân hàng T.Ư Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ can thiệp để giữ tỷ giá CNY như đã làm trong năm 2018. Sự mất giá của CNY ảnh hưởng đến VND phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý, Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. VND vì vậy nếu có biến động vẫn sẽ trong tầm kiểm soát. Đó là lý do vì sao cho tới nay, VND vẫn là đồng tiền có sự ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực mất giá lớn so USD. Tới thời điểm này có thể khẳng định vấn đề tỷ giá vẫn đang được NHNN kiểm soát tốt theo mục tiêu đã đề ra.

Trong báo cáo của NHNN vừa gửi Quốc hội (QH) về việc thực hiện Nghị quyết (NQ) số 113/2015/QH13 của QH khóa XIII và các NQ của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, QH khóa XIV cũng nêu rõ, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu QH, Chính phủ đề ra. Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, về điều hành tỷ giá, NHNN đã chủ động, linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý và chủ động truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường, bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn để định hướng kỳ vọng thị trường và hỗ trợ thanh khoản VND. Nhờ đó, tỷ giá tương đối ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tương đối thuận lợi, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua ròng được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước (DTNHNN).

Cũng theo NHNN, thực hiện chủ trương của Chính phủ về từng bước hạn chế tình trạng “đô-la hóa” trong nền kinh tế, đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các DN xuất khẩu giảm bớt chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, NHNN đã thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ.

Cùng với việc quy mô DTNHNN được cải thiện đáng kể, NHNN cũng theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, tình hình xếp hạng của các đối tác và áp dụng linh hoạt các công cụ đầu tư DTNHNN, bảo đảm công tác quản lý DTNHNN tuân thủ nguyên tắc an toàn, thanh khoản và sinh lời.