Tìm giải pháp khơi thông nguồn lực

“Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống”. Đó là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019, khi đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) với tinh thần khơi thông nguồn lực, và phải có khát vọng vươn lên.

Cải cách hành chính là một trong những biện pháp cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: LAM ANH
Cải cách hành chính là một trong những biện pháp cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: LAM ANH

1. Điểm lại một số sự kiện nổi bật trong tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV vừa qua, Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn. Đa số các vị đại biểu QH biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong một năm đầy khó khăn, thể hiện qua việc đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu mà QH giao, nhiều mục tiêu cán đích sớm, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đánh giá tình hình KT - XH tháng 11 và 11 tháng, theo Thủ tướng, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến phức tạp về thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, biểu hiện rõ là phản ứng nới lỏng chính sách của nhiều nước, trong đó Mỹ đã ba lần giảm lãi suất. Trong nước, trước tình hình thế giới khó khăn, tháng 11 và 11 tháng, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước đã chung sức vượt khó, nền kinh tế chúng ta tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng 11-2019 tăng 0,96% so tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn. Tuy nhiên, bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong ba năm gần đây…

Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng (VND) đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu (XK), công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm). Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng hai con số (12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây). Trong tháng 11, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%. XK đạt hơn 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 3,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ tư liên tiếp chúng ta xuất siêu. Dự tính, năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD. Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực. Cả nước có 126.700 DN đăng ký thành lập mới và có 36.900 DN quay trở lại hoạt động. Vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được các cấp, ngành chú trọng.

2. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại cần có giải pháp cụ thể để giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020.

Cụ thể như, Thủ tướng đề nghị, ngành nông nghiệp lưu ý ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá nông sản giảm. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Các thành viên Chính phủ thảo luận việc thực hiện các nhiệm vụ còn lại của năm 2019, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết 01, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này, đưa ra các giải pháp mới, quyết liệt, thảo luận một số chỉ tiêu cụ thể như giảm biên chế năm 2020…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý, đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển KT - XH với tinh thần khơi thông nguồn lực, và phải có khát vọng vươn lên, “khát vọng này phải ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng DN, doanh nhân và từng người dân. Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện giải pháp mạnh, đột phá, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 2-12, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường cung - cầu để kịp thời có những tham mưu, chỉ đạo, điều tiết, bảo đảm nguồn cung, đặc biệt là bình ổn giá mặt hàng thịt lợn.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này, có 14/63 tỉnh thành có hơn 85% số xã không phát sinh dịch trên 30 ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện tái đàn. Bộ vừa có cuộc họp với các địa phương trọng điểm, DN chăn nuôi và cung ứng thịt lợn lớn và thống nhất phương án duy trì giá thịt lợn dưới 70 nghìn đồng/kg.