Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng

Trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng (TDTD) sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng “đen” lại có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển TDTD sẽ vừa hạn chế, đẩy lùi được tín dụng “đen”, vừa làm tăng sức mua của người dân.

Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: NG.NAM
Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: NG.NAM

Các chuyên gia tài chính - NH đánh giá, thị trường nội địa của Việt Nam rất lớn và tiềm năng. Tiêu dùng cá nhân rất lớn, tương đương 80% GDP. Do đó, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa thì khả năng tăng trưởng nhanh hơn.

Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Agribank đẩy mạnh các gói TDTD phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng TDTD...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã quay trở lại, nguồn lực để NH tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh cũng có giới hạn, bởi tiền NH cho DN vay cũng là tiền NH vay từ dân. Vì vậy, NH vẫn phải trả lãi. Trên cơ sở tính toán và cân đối, NH sẽ đưa ra mức lãi vay hợp lý để vừa bảo đảm được khả năng trả nợ, vừa duy trì được hoạt động và phòng ngừa rủi ro. Do đó, với mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 3,7 - 7,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 3 tháng đến trên 12 tháng, thì các NH đang áp dụng lãi vay phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn và 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 5,0%/năm.

Tại các cuộc đối thoại DN - NH, nhiều kiến nghị cho rằng mức lãi vay phải giảm 6%/năm thì mới có thể “cứu” được DN. Tuy nhiên, các NH cho biết dư địa để giảm lãi suất vay vẫn còn, song mức giảm sẽ không nhiều. Vì vậy, “cứu” DN bằng cách đẩy mạnh gói TDTD nhằm tăng sức mua chính là giải pháp lâu bền và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, tính đến cuối tháng 7-2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm 2019. Theo Vụ trưởng Tín dụng NHNN Nguyễn Quốc Hùng, TDTD, cho vay cá nhân còn tăng trưởng chậm hơn nữa. Thời gian tới, NHNN tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, song mức độ tăng trưởng đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Hiện, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất yếu trong bối cảnh việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do dịch bệnh. Dù vậy, các NH, công ty tài chính (CTTC) cũng không thể cho vay vô tội vạ, nếu không, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh.

NHNN đang thực hiện chính sách “nới lỏng” tiền tệ theo hai hướng lượng và chất. Về lượng, làm sao cho tiền ra ngoài thị trường nhiều hơn để kích thích mua sắm, tạo việc làm. Về chất là phải có sự kiểm soát và tuân thủ trong khuôn khổ nhất định. Hiện nay, tiêu dùng nội địa đang chậm lại, sức mua đã giảm mạnh. Vì vậy, phải kích thích qua hai yếu tố: giá hàng hóa phải rẻ đi thông qua giảm thuế và người dân có thêm tiền để chi tiêu. Để người dân có tiền, đầu tiên là phải duy trì làm ăn bình thường, kế đến là mở rộng TDTD với lãi suất thấp hơn thông qua giảm tỷ lệ rủi ro. Thực tế, khi khó tìm đầu ra cho vay, một số NH mạnh về mảng này vẫn có khả năng “miễn dịch” cao hơn thay vì phụ thuộc vào dung lượng tín dụng. Trong báo cáo tài chính quý II - 2020 ở một số NH có kết quả lợi nhuận tăng trưởng cũng cho thấy, các NH này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.

Điển hình như VIB, với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB vẫn tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30% so cùng kỳ. Với thế mạnh của VIB là cho vay mua nhà và ô-tô, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho rằng, nhu cầu của các sản phẩm này ít bị ảnh hưởng. Đó là các nhu cầu thiết yếu, không phải sản phẩm xa xỉ, nên ít bị tác động vì dịch bệnh.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều hộ gia đình, nên nhu cầu vay tiêu dùng sẽ giảm. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, TDTD vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” nếu các DN có những sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường. Trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, TDTD sẽ tiếp tục góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng “đen” có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển TDTD sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng “đen”. 

Về phía các DN và CTTC, ông Cấn Văn Lực cho rằng, đã đến lúc rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. CTTC phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều DN hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên. Ngoài ra, CTTC tiêu dùng cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất. Không mặc định TDTD thì lãi suất phải cao. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Về khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hậu Covid-19, TDTD còn nhiều tiềm năng, nhưng còn phụ thuộc vào quan điểm của Nhà nước về vấn đề này. Nhà nước nên cởi mở hơn với các mô hình tín dụng mới nhưng có kiểm soát.