Thúc đẩy kết nối hạ tầng logistics

Ngoài việc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp xóa bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), thủ tục chuyên ngành, Chính phủ đang thúc đẩy logistics và các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này nhằm từng bước giảm chi phí cấu thành giá cả hàng hóa, bảo đảm lợi nhuận của DN.

Chi phí logistics còn cao khiến hàng hóa mất đi sức cạnh tranh. Ảnh: HẢI ANH
Chi phí logistics còn cao khiến hàng hóa mất đi sức cạnh tranh. Ảnh: HẢI ANH

Chi phí “bóp nghẹt” lợi nhuận

Theo khảo sát của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), những trở ngại chính được chỉ ra là về thủ tục chiếm 89%. Các trở ngại về TTHC được báo cáo nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định, chiếm 40% các trường hợp; chi phí không chính thức như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định, chiếm 17% các trường hợp; lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định chiếm 15% các trường hợp. Đáng chú ý, kết quả khảo sát thực hiện trên ba miền bắc, trung, nam với tổng số hơn 2.000 DN cho thấy, tỷ lệ DN xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các biện pháp phi thuế quan (BPPTQ) khá cao. Ngành nông nghiệp chiếm 48%, công nghiệp chiếm đến 38%; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chiếm 73%; dịch vụ du lịch chiếm 69%; dịch vụ vận tải chiếm 76%.

Tại Hội thảo Thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các BPPTQ trong thương mại dịch vụ, ông Yared Befecadu, chuyên gia của ITC chia sẻ, trong quá trình thực hiện khảo sát, chúng tôi nhận được phản hồi về trở ngại của DN dịch vụ hậu cần vận tải gặp phải, đó là những rào cản về chi phí không chính thức. Một số DN phản ánh, mỗi năm họ phải tiếp đón quá nhiều đoàn kiểm tra. Các cuộc thanh tra mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. Ngoài ra, một số DN kêu ca về thời gian làm việc. Chẳng hạn, vào mùa cao điểm trước Tết, DN cần XK nhiều hàng hóa, phải xin nhiều giấy tờ chứng nhận, trong khi cơ quan nhà nước không đủ cán bộ làm việc nên gây ra sự chậm trễ.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Delta cho hay, DN có hơn 400 nhân viên, trong đó phải dành riêng hơn 40 người chuyên trách “mang tờ giấy A4 từ chỗ này đến chỗ kia”. DN cũng có ba người chỉ làm mỗi công việc hằng ngày thu, kiểm, đếm thanh toán và lưu giữ biên lai thu lệ phí đường bộ...

Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho biết, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng công cụ BPPTQ để bảo vệ sản xuất trong nước, hướng đến đạt được một số mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) nhất định. Tuy nhiên, theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần xóa bỏ một số hàng rào BPPTQ. Vì vậy, cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ BPPTQ mới và tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi.

Rào cản từ nhiều phía

Theo Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Minh Thảo, tại bất kể quốc gia nào, logistics cũng rất quan trọng, đóng góp chính vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Việt Nam, logistics cũng được coi là trọng tâm cải cách và phát triển, bởi lĩnh vực này liên quan hầu hết các ngành của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo khảo sát của CIEM, hiện ở Việt Nam, các DN logistics đang phải hứng chịu chi phí đắt đỏ nhất, vì phát sinh nhiều chi phí trên đường như: phí đường bộ, BOT, hải quan, thanh tra, quản lý thị trường... Đây là rào cản lớn cho DN logistics.

Bà Nguyễn Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại cho rằng, cuộc khảo sát cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về những trở ngại trong thương mại mà các DN Việt Nam gặp phải và xác định các “nút thắt” tiềm ẩn liên quan TTHC trong thương mại và hoạt động xuyên biên giới. Thông tin này sẽ hỗ trợ cả khu vực tư nhân và Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân và cải thiện khả năng cạnh tranh XK cho Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện một DN XK hoa quả vận chuyển một container trái cây đi từ TP Hồ Chí Minh đến Lạng Sơn phải mất số chi phí cao gấp nhiều lần sang Mỹ, bởi những chi phí gián tiếp trên đường như: quản lý thị trường, an toàn thực phẩm... bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, hiện chúng ta có nhiều cảng sông, đường sắt nhưng không kết nối được với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam khổ nhỏ hơn quốc tế nên kể cả DN vận chuyển đường sắt khi đến cửa khẩu vẫn phải chuyển hàng xuống để sang hàng, khiến chi phí đội lên gấp nhiều lần. Một trở ngại khác là TTHC quá rườm rà khiến DN phải đi lại nhiều lần mà không xin được giấy phép theo quy định của các thủ tục chuyên ngành.

Theo ông Nguyễn Anh Dương (CIEM), hiện XK của Việt Nam thâm hụt về thương mại dịch vụ, chủ yếu là nhập siêu. Nhìn chung, rào cản với thương mại dịch vụ đến từ những quy định khác nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới như: visa, thuế... Tuy nhiên, điểm chung là cắt giảm rào cản trong nước, cũng như phối hợp các nước “hãm” bớt rào cản là khó.

Hướng tới kết nối & phát triển logistics

Tại Phiên thảo luận cấp cao Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, DN xuất, nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

Để xóa bỏ những rào cản về chi phí, điều kiện kinh doanh, theo các chuyên gia, cần sớm đẩy mạnh giao dịch điện tử (GDĐT). Ông Trần Đức Nghĩa kỳ vọng, dịch vụ thu phí điện tử, phí không dừng sẽ “cán đích” đúng hạn là ngày 31-12-2019 và sớm khai trương cổng thông tin Chính phủ điện tử (CPĐT). Hiện nay, DN phải dành đến hai phần ba thời gian giải quyết TTHC chuyên ngành ở các bộ, ban, ngành. Nếu như tất cả các TTHC chuyên ngành được đưa lên cổng thông tin điện tử quốc gia và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thì hiệu quả hoạt động của DN tăng lên rất nhiều. CPĐT được triển khai đúng kế hoạch sẽ tạo ra môi trường cực kỳ tốt cho DN.

Bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ, Việt Nam đang đẩy mạnh GDĐT, dịch vụ công cấp độ 4, nhưng còn thiếu hành lang pháp lý ứng dụng dịch vụ, chẳng hạn như chữ ký số... Đây là rào cản không chỉ đối với các DN mà cả với các bộ, ngành. Hiện nay, 12 bộ quản lý chuyên ngành có liên quan đều cho rằng đã kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia, dịch vụ công cấp độ 4, nhưng thủ tục thực hiện hoàn toàn trên hệ thống chỉ được vài phần trăm.

Đại diện một DNXK cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất thúc đẩy logistics là chiến lược và quy hoạch hạ tầng logistics. Đơn cử như việc quy định giờ xe container được ra vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khiến một lượng lớn xe chờ đợi ở cửa ngõ thành phố, không chỉ gây ách tắc giao thông, mà còn tạo ra khó khăn cho lái xe trong sinh hoạt cá nhân. Nếu Chính phủ không tạo ra chính sách ưu đãi cho hạ tầng logistics thì tình trạng ách tắc vẫn xảy ra, dẫn đến DN lách luật bằng cách sử dụng chi phí gián tiếp, gây ảnh hưởng đến hoạt động KT - XH.

Về những vấn đề này, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (Ủy ban 1899) nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển KT - XH 2011 - 2020 đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng GDP và trong phát triển dịch vụ thì ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có logistics. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh logistics tới năm 2025. Tuy nhiên, thực trạng ngành kinh tế này ở Việt Nam đang “ngược” so thế giới khi chi phí xã hội bỏ ra thì cao (chiếm khoảng 20% giá trị hàng hóa) nhưng đóng góp cho GDP lại không tương xứng. Chính phủ đang thúc đẩy kết nối logistics và các DN đầu tư vào lĩnh vực này nhằm giảm chi phí, giá thành hàng hóa. Về hạ tầng để phát triển logistics, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện kết nối bắc - nam, ưu tiên cho cao tốc đường bộ tới từng tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó là quan tâm tới kết nối Đông - Tây để sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đường bộ, cảng biển của các vùng và cả nước cũng như các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây...