Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Theo ghi nhận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội (QH), từ đầu năm đến nay, ở nhiều bộ, ngành và địa phương, trong khi có nhu cầu NS lớn để đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) thì có nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng phải chuyển nguồn khá lớn.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao. Ảnh: HẢI ANH
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao. Ảnh: HẢI ANH

Ì ạch giải ngân, chậm giao vốn

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết năm 2019 nhưng giải ngân đầu tư công (ĐTC) năm nay vẫn ì ạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS vừa trình lên QH liên quan đến nội dung này cho biết, vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm, mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Chính phủ giao, nếu so dự toán được QH quyết định còn thấp hơn.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 ước tính đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn ĐTC đạt 260.400 tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn T.Ư quản lý đạt 36.600 tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm và giảm 19,3% so cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 223.800 tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch năm và tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư như sau: Hà Nội đạt 34.800 tỷ đồng, tăng 22,9% so cùng kỳ năm trước; TP Hồ Chí Minh 16.700 tỷ đồng, giảm 11,2%...

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giải ngân này vẫn đạt mức thấp do tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 tăng 5,3% nhưng cùng kỳ các năm trước có tốc độ tăng mạnh hơn. Cụ thể: năm 2015 là 8,7%; năm 2016 là 14%; năm 2017 là 7,1%; năm 2018 là 12,1%.

Ngày 23-10, Bộ Tài chính đã công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ lũy kế đến ngày 15-10-2019. Cụ thể, số liệu đối với phần giải ngân theo cơ chế “Ghi thu ghi chi” lũy kế đến ngày 15-10-2019 là 8.588.336,00 triệu đồng trên tổng số 45.653.707,70 triệu đồng vốn theo kế hoạch. Trong đó, vốn T.Ư theo kế hoạch là 18.605.643,00 triệu đồng, mới giải ngân được 4.297.691,40 triệu đồng. Chỉ có Bộ Quốc phòng giải ngân hết số vốn theo kế hoạch của năm. Theo kế hoạch vốn ĐTXDCB địa phương là 27.048.064,70 triệu đồng, tính đến ngày 15-10-2019 các địa phương mới giải ngân được 4.290.644,60 triệu đồng. Đặc biệt đáng lưu ý là có tới 12 địa phương trong cột giải ngân vẫn để trống số liệu, đó là các tỉnh: Bắc Kạn, Điện Biên, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang.

Kho bạc Nhà nước thì cho biết, những DA trọng điểm như: DA đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây giải ngân đang rất chậm, trong tổng số vốn 1.134,9 tỷ đồng, giải ngân mới đạt 7,5% kế hoạch. Đối với nguồn vốn NST.Ư của Bộ Y tế: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có kế hoạch vốn trong nước 1.400 tỷ đồng, thanh toán đạt 41,2% kế hoạch; Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, kế hoạch vốn trong nước 1.365 tỷ đồng, thanh toán đạt 39,5% kế hoạch. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của Bộ Y tế, một số DA như: Cải tạo nâng cấp Bệnh viện K cơ sở I, II, KHV; Bệnh viện Nội tiết T.Ư TP Hồ Chí Minh đều chưa giải ngân được đồng vốn nào. Đối với các DA do địa phương quản lý, đáng chú ý là: Cảng quốc tế hàng không Long Thành, Đồng Nai, số vốn 6.990 tỷ đồng hiện mới giải ngân đạt hơn 3%; Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp cũng chưa giải ngân được đồng vốn nào trong tổng số 305 tỷ đồng.

Một số DA sử dụng vốn trong nước chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán hợp đồng, quyết toán DA hoàn thành, như DA kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công, DA đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, DA đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê…

Theo ghi nhận của Ủy ban TC-NS của QH, từ đầu năm đến nay, ở nhiều bộ, ngành và địa phương, trong khi có nhu cầu NS lớn để ĐTXDCB thì có nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng phải chuyển nguồn khá lớn. Nguyên nhân giải ngân chậm vẫn tập trung vào các yếu tố như tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển vẫn chưa được khắc phục. Trên thực tế, thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa được xử lý kịp thời, có khó khăn, vướng mắc. Khi giao xong đến nhiều địa phương, đơn vị thì thường vào mùa mưa, làm ảnh hưởng tiến độ thi công, khiến nhiều DA có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài… Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm, nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật NSNN, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ NST.Ư… Cá biệt có tình trạng chuyển nguồn qua nhiều năm, gây lãng phí, phản ánh không đúng thực chất tình trạng chi và bội chi NSNN.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các DA còn chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác giải ngân vốn ĐTC. Khi có quyết định điều chỉnh kế hoạch thì gần thời điểm cuối năm nên các DA không kịp triển khai và phải xin gia hạn DA, gia hạn thời gian giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý. Đồng thời, khi DA được điều chỉnh chậm thường lỡ thời gian triển khai, chậm trễ trong công tác đấu thầu và triển khai các bước tiếp theo của DA hoặc gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi để triển khai công tác thi công. Từ đầu năm đến nay, đã có ba đợt đề xuất điều chỉnh vốn nước ngoài với 350 DA, nhưng đến nay các đề xuất này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Về vấn đề giải ngân vốn ĐTC còn chậm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một trong những điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế, đã ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, nhất là đóng góp của ĐTC trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Giải ngân thấp gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Theo nhận định của Chính phủ, nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn ĐTC là do yếu tố chủ quan, nhất là những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Trước tính cấp bách của tình hình giải ngân, vào cuối tháng 9, lần đầu Chính phủ triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn ĐTC. Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đích danh một số nơi chậm như: Bộ Y tế tính đến ngày 20-9 mới giải ngân 24% dự toán. Bộ Y tế có nhiều DA, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn. Đây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm.

Thực tế, dù Chính phủ đã ra sức thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân được đưa ra là do công tác kế hoạch hóa ĐTC còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các DA chưa hợp lý, chưa phù hợp nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những DA chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP (NQ 94) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2019. Chính phủ đề ra sáu nhóm giải pháp chủ yếu như: tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc; khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2019; đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ... Về cơ bản, với việc Luật ĐTC (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1-1-2020, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của NQ 94, với việc giám sát của QH, tin tưởng rằng vấn đề giải ngân vốn ĐTC từ năm 2020 sẽ có những bước cải thiện đáng kể. Về các vấn đề kế hoạch ĐTC năm 2020, sau khi QH thông qua, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức rà soát và giao sớm ngay tất cả vốn của năm 2020.