Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

Nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy ngành CNHT cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản. Ảnh: LAM ANH
Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản. Ảnh: LAM ANH

1. Mục tiêu chung của Bộ Công thương đặt ra trong Chiến lược phát triển CNHT là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (XK) 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định khi Bộ Công thương tích cực triển khai các chương trình phát triển CNHT. Qua đó, các DN CNHT Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, số DN đang hoạt động trong CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng. Thực tế, CNHT là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước rất quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách. Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển các CNHT trong nước. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg với mục tiêu tập trung các nguồn lực của Nhà nước và cơ chế ưu đãi để cụ thể hóa ưu tiên phát triển CNHT.

2. Trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH) về chính sách phát triển CNHT, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn bày tỏ, mặc dù đã có sự quan tâm và có nhiều chính sách phát triển, tuy nhiên CNHT chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng. Theo đó, chưa có đủ điều kiện để bảo đảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNHT. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách CNHT, kể cả sau khi có nghị quyết của QH, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn còn chậm, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách trong các hỗ trợ cho DN CNHT. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương thời gian qua đã có không ít nỗ lực nâng cao năng lực của DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là trong việc tạo sự gắn kết với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, phát triển một ngành CNHT cần nhiều thời gian và tiềm lực trong thời gian dài, bởi đây là ngành gần như là “khó” nhất, vì đầu tư rất nhiều mà lợi nhuận lại rất ít.

Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nêu quan điểm, thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của DN còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Để thúc đẩy phát triển CNHT nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.

3. Thực tế, Bộ Công thương cũng đã tích cực triển khai các chương trình, dự án (DA), nhất là trong công tác hợp tác quốc tế nhằm tạo liên kết cho các DN trong nước có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ quản trị, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh… Nhờ đó, hiện nay DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao-su kỹ thuật... Các sản phẩm đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được XK sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh chứng là nhờ tham gia chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, Công ty CP CNHT Minh Nguyên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến với vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Công ty đã được Samsung tin tưởng chọn là nhà cung ứng cấp 1, cung ứng linh kiện phụ trợ cho tổ hợp DA sản xuất thiết bị điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung.

Đại diện Công ty CP Ô-tô Trường Hải (Thaco) thì cho biết, đơn vị này có 13 nhà máy CNHT, ngoài cung cấp linh kiện cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù DN CNHT chủ động tham gia chuỗi cung ứng, nhưng thực tế để phát triển CNHT trong dài hạn, DN cần chính sách ổn định, xuyên suốt để có điều kiện chủ động căn chỉnh chiến lược phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, muốn phát triển CNHT cần phải kiên trì. Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ”, đặc biệt hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Từ bài học sâu sắc về ngành công nghiệp ô-tô, cần có sự thống nhất, quán triệt bảo đảm sự đồng bộ và toàn diện trong các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện mục tiêu chung về CNHT. Ngành CNHT và công nghiệp nói chung không thể thực hiện thành công nếu như thiếu sự thống nhất quan điểm trong tổ chức thực hiện.