Thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI

Đã có nhiều kỳ vọng chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ - Trung Quốc, cùng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, kết quả thu hút dòng FDI trong bảy tháng qua lại cho thấy dòng vốn này vào Việt Nam giảm mạnh.

Trong thời gian tới, việc thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu. Ảnh: LAM ANH
Trong thời gian tới, việc thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu. Ảnh: LAM ANH

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến thời điểm ngày 20-7, Việt Nam thu hút 2.064 dự án (DA) cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số DA nhưng giảm 37,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt DA đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so cùng kỳ. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong bảy tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so cùng kỳ. Cũng trong bảy tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8%, trong đó có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) với giá trị vốn góp 5,70 tỷ USD và 3.654 lượt NĐT nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.

Theo Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương, sụt giảm vốn đăng ký trong hơn nửa đầu năm 2019 có thể được nhìn nhận từ một số góc độ khác nhau. Thứ nhất, xét từ yếu tố bên ngoài, việc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam cần một thời gian nhất định. Do đó, ngay cả khi được đánh giá có lợi thế (tương đối) để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh CTTM Mỹ - Trung Quốc, số liệu vốn đăng ký trong các tháng đầu năm có thể chưa phản ánh đầy đủ. Trong khi đó, việc thực hiện CPTPP cũng có tác động phần nào tương đồng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ hai, xét về yếu tố bên trong, Việt Nam vẫn đang cân nhắc, hoàn thiện định hướng thu hút FDI và quá trình này có thể khiến NĐT nước ngoài ít nhiều còn có tâm lý “chờ đợi”.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, những chuyển dịch đầu tư gắn với xuất, nhập khẩu gần đây đang đặt Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ. Nhất là chuyển dịch đầu tư bất thường đã dấy lên lo ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các DN nước ngoài lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ. Đồng thời, xu hướng này cũng làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của DN FDI đối với DN trong nước, vốn đã hiện hữu trong nhiều năm.

Trong khi đó, Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc DA đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, thu hút dòng FDI vào Việt Nam không đơn giản, bởi Việt Nam không nên và không thể phân biệt đầu tư theo đối tác. Việc sàng lọc các DA đầu tư phù hợp ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là không dễ, chưa kể đến năng lực hấp thụ dòng vốn.

Việt Nam hiện đã có dự thảo về chiến lược thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn mới về đầu tư nước ngoài nêu rõ mục tiêu thu hút nguồn vốn chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, với hệ thống pháp luật hiện tại, chắc chắn việc sàng lọc nguồn vốn FDI là rất khó vì không thể sàng lọc bằng ý thức chủ quan mà phải thông qua hệ thống văn bản pháp luật với tiêu chí hết sức cụ thể. Hiện nay, ngay cả định nghĩa thế nào là công nghệ cao, công nghệ nguồn, mức ưu tiên vẫn chưa có. Chính điều này đã dẫn tới việc các địa phương chủ yếu nhận DA trên việc nhìn NĐT chứ không phải chất lượng DA.

Hay đối với luồng vốn đầu tư chất lượng cao, EVFTA được kỳ vọng là đòn bẩy để Việt Nam thu hút luồng vốn đầu tư từ EU. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh nhận định, EVFTA sẽ tạo cú huých để DN châu Âu nhìn nhận đầu tư vào Việt Nam ở mức độ sâu hơn. DN châu Âu sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, thương mại ở Việt Nam. Nói cách khác là đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu sản phẩm vào EU. Đó là kỳ vọng, còn trên thực tế, các nhà đầu tư châu Âu vẫn e ngại đầu tư vào Việt Nam vì phải đối mặt với nhiều rào cản thủ tục hành chính (TTHC). Hiện TTHC ở Việt Nam còn nhiều bấp cập, chi phí thực hiện ở mức cao. EVFTA có điều khoản tạo điều kiện thương mại, đơn giản nhất là thủ tục hải quan, kiểm soát, quản lý hải quan, quá trình thông quan hàng hóa Việt Nam phải ở mức tạo thuận lợi cho DN châu Âu. Lúc đó, họ mới quyết định đầu tư vào Việt Nam. DN châu Âu không phàn nàn về mức thuế suất ở Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan TTHC thuế, thanh tra thuế, thủ tục hải quan mới là vấn đề mà DN châu Âu quan tâm. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.

Về những vấn đề này, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, việc thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các DA công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những DA có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập DN, nâng khống giá trị máy móc thiết bị…