Tháo gỡ vướng mắc cho hóa đơn điện tử

Việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy (HĐG) sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Tuy nhiên, để HĐĐT trở nên phổ cập thì cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN trong lĩnh vực này. Và quan trọng là cơ quan quản lý cần đồng hành cùng DN để có nhận thức chung về thực hiện HĐĐT theo đúng lộ trình.

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử. Ảnh: N.ANH
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử. Ảnh: N.ANH

Kỳ 3: Đồng hành cùng doanh nghiệp

(Tiếp theo & hết)

Chưa thật sự thống nhất

Trong quá trình làm việc thực tế, nhiều DN cho biết, khi sử dụng HĐG, việc lập HĐ có thể là ngày hôm nay, nhưng vì lý do nào đó, lãnh đạo DN đi công tác xa hoặc vắng mặt ở cơ quan, chưa thể ký, thì có thể ký và hoàn thiện HĐ sau vài ngày cũng không có vấn đề gì cả. Bởi chưa đến hạn kê khai thuế hằng tháng trước là ngày 20 tháng sau. Tuy nhiên, khi ứng dụng HĐĐT việc lập HĐ ngày nào thì hiện rõ ngay ngày lập, và khi HĐ giao đi rồi mà chưa có chữ ký số thì cũng là tình trạng thực tế mà DN gặp phải vì lý do bất khả kháng như nhân viên kế toàn trưởng của DN nghỉ phép. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa việc triển khai HĐĐT và HĐG trong thực tiễn mà DN đang gặp phải. Thí dụ thời điểm DN khởi tạo HĐĐT là ngày hôm nay, nhưng ngày sau đó chữ ký điện tử mới có. Vậy lấy thời điểm nào để hợp pháp? Để kê khai thuế và xác định nghĩa vụ thuế thì ngày khởi tạo HĐĐT hay ngày ký?

Ngoài ra, DN đã sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC (TT 32) từ năm 2018 đã phát hành 10.000 HĐ đến tháng 9-2019 đã sử dụng hết, cần tiếp tục phát hành HĐĐT, DN có phải thông báo phát hành HĐĐT theo TT 32 hay theo NĐ 119? Liên quan đến vấn đề hiện nay có hai vướng mắc và đã có văn bản gửi lên Tổng cục Thuế nhưng mới trả lời bằng lời, chưa có văn bản trả lời. Theo quy định, DN cần bảo mật, lưu trữ hóa đơn trong thời hạn 10 năm, vậy làm thế nào để bảo đảm nền tảng lưu giữ HĐĐT của DN trong 10 năm? Bởi nếu những DN cung cấp HĐĐT bị phá sản, thì cần xử lý như thế nào? Do đó, cần quy định điều kiện chặt chẽ về vấn đề này. Tổng cục Thuế cần có hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp vướng mắc nói trên.

Trước những thắc mắc của DN trong việc triển khai HĐĐT, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc trao đổi, theo Tổng cục Thuế “trong trường hợp chữ ký sau thì lấy ngày hợp pháp là ngày lấy chữ ký số”. Sở dĩ như vậy là do khởi tạo HĐ chưa có chữ ký số thì chưa có hiệu lực thi hành, chưa hoàn thành thủ tục. Do đó, khi nào có bản khởi tạo và cả chữ ký số thì mới được coi là đã hoàn thiện. Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề khởi tạo và chữ ký số là rất thông dụng đối với các DN hiện nay. Bên cạnh đó, HĐ có mã xác thực là khi người bán HĐ gửi đến cơ quan thuế sẽ được cấp mã xác thực sau đó chuyển lại. Nhưng trường hợp thứ hai là họ không có mã, thì sau khi người bán, phát hành, khởi tạo HĐ chuyển đến cho người mua, sau đó lại quay HĐ đó thông báo về cho cơ quan thuế. Thời điểm thông báo lại cho cơ quan thuế là hằng ngày, hằng tuần hay hằng quý cũng nên quy định rõ để các DN xác nhận nghĩa vụ của mình.

Liên quan đến kiến nghị, ngày phát hành và ngày ký có cần thiết phải trùng nhau không? Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày ký và ngày phát hành phải trùng nhau. Nếu không có đủ các tiêu chí thì không thể được coi là HĐ hợp lệ.

Tuy nhiên, Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty CP Misa cho rằng, một HĐ có thể có hai ngày là ngày lập HĐ và ngày ký phát hành có thể khác nhau, việc phía DN mong ngày lập HĐ sẽ được tính để hạch toán HĐ. Chính vì vậy, cơ quan quản lý cần thống nhất xác định ngày có giá trị pháp lý.

Chia sẻ quan điểm này, bà Trịnh Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm sản phẩm và giải pháp, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel - Tập đoàn Viettel cho biết, là đơn vị cung cấp HĐĐT, Viettel cũng bị vướng mắc ở việc có bắt buộc phải hiển thị ngày ký hay không? Trong khi đó có sự chênh lệch giữa các địa phương ví như ở Huế yêu cầu bắt buộc, Đồng Nai cũng yêu cầu tương tự, thậm chí yêu cầu cả giờ ký. Tuy nhiên, Hà Nội lại không nhất thiết phải thể hiện ngày ký trên bản hiển thị, do đó kiến nghị cần đồng nhất.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho biết, HĐ chỉ hợp pháp khi đối tượng pháp lý, tức chủ DN phải ký HĐ đó. Hiện TT chưa có quy định về giờ ký mà chỉ có yêu cầu về ngày ký, do đó sắp tới sẽ được bổ sung. Đã là HĐĐT phải chuẩn chỉ đầy đủ form, mẫu ô mới giao dịch được. Lâu nay chúng ta chuyển từ giấy sang HĐ nên chưa chuẩn chỉ. Do đó, các DN lựa chọn nhà cung cấp cũng cần phải có tiêu chuẩn của người cung cấp HĐĐT. Đồng thời phải bảo đảm năng lực hạ tầng, nhân lực đáp ứng được yêu cầu không chỉ có chuyên môn kế toán, có đội ngũ hỗ trợ…

Cần nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý

Liên quan đến đề xuất cần ban hành sớm TTHD cho NĐ 119, ông Nguyễn Hữu Tân cho biết, xin tiếp thu vấn đề này. Tuy nhiên, đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các DN có điều kiện mới áp dụng HĐĐT mà hướng tới việc toàn bộ DN phải thực hiện HĐĐT. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị nên không thể làm trong một sớm một chiều. Liên quan đến việc phát hành hóa đơn theo TT 32 hay theo NĐ 119, trong giai đoạn chuyển đổi này, các DN đang thực hiện phát hành HĐ theo TT 32 thì tiếp tục thực hiện không phải dừng lại. Ngoài ra, về đề xuất liên kết giữa các đơn vị như Cục thuế, kho bạc, bảo hiểm…, để liên kết các đơn vị sử dụng cùng một loại HĐĐT điều này không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở của mỗi đơn vị; đồng thời điều này còn phải bảo đảm tính pháp lý.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Quản lý phần mềm - Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, về việc hiển thị ngày ký hay không, nếu pháp luật quy định phải hiển thị ngày ký thì kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được. Trường hợp pháp luật không quy định điều này, thì kỹ thuật có thể để hiển thị hay không. Về hạ tầng công nghệ thông tin liên quan đến HĐĐT, so quy định trước đây, hiện vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về các định dạng HĐĐT hay những hình thức trao đổi kết nối dữ liệu. Trong thời gian tới, các giao thức kết nối trong phát hành HĐĐT như thế nào để các DN cung cấp dịch vụ HĐĐT nắm được, bảo đảm việc trao đổi, sử dụng dữ liệu được chuẩn hóa. Liên quan đến điều kiện về tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về điều kiện công nhận đơn vị được phép cung cấp HĐĐT, như năng lực, tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, kết nối… Chắc chắn sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho DN dễ dàng thực hiện HĐĐT. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ thiết lập hệ thống công nghệ thông tin của mình để có thể tiếp nhận được các HĐĐT của các tổ chức, DN.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, thời gian qua, hầu hết các DN chưa triển khai sử dụng HĐĐT đều có chung những mối lo như còn chần chừ chưa sử dụng HĐĐT vì những vướng mắc các DN đã phản ánh như: các cơ quan quản lý chưa đồng nhất, chưa có hướng dẫn chi tiết cả về kỹ thuật lẫn nội dung… Vì chưa đến thời gian bắt buộc sử dụng HĐĐT nên các DN cũng có tâm lý “chờ” đến khi bắt buộc. Chính vì vậy, mặc dù số lượng HĐĐT đã tăng mạnh nhưng tỷ trọng HĐĐT mới chỉ chiếm từ 25 - 30% và vẫn chưa thật sự được áp dụng rộng rãi, cần các cơ chế thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước. Việc chuyển đổi từ sử dụng HĐG sang HĐĐT là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch, cần làm, nên làm và phải làm.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, để HĐĐT trở nên phổ cập thì cần nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của DN cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN trong lĩnh vực này. VCCI mong muốn cơ quan quản lý đồng hành cùng DN để có nhận thức chung về thực hiện HĐĐT theo đúng lộ trình. VCCI luôn đồng hành cùng DN để có được những khuyến nghị trình lên Chính phủ. Đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về HĐĐT quy định rõ: lựa chọn đơn vị cung cấp, các vấn đề liên quan ngày ký, ngày lập HĐ. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể để tránh dồn vào thời điểm năm 2020.