Tạo đà phát triển công nghiệp ô-tô

Cuộc cạnh tranh với ô-tô nhập khẩu (NK) ngày càng khốc liệt, trong khi những chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp (CN) ô-tô và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn chưa có được hiệu quả thiết thực. Để bảo đảm chủ trương phát triển ngành CN ô-tô, theo các chuyên gia, Chính phủ cần xây dựng và tăng cường chính sách hỗ trợ tổng thể, từ sự hỗ trợ kết nối về thuế, vốn, công nghệ, đến thị phần nhằm tạo đà để CN ô-tô bứt tốc và phát triển bền vững.

Ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: SONG ANH
Ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: SONG ANH

Vật lộn với tỷ lệ nội địa hóa thấp

Ngành CN ô-tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015 - 2018 khoảng 10%/năm. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 DN sản xuất liên quan đến ô-tô, trong đó có 50 DN lắp ráp ô-tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô-tô.

Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân khiến CN ô-tô không cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài. Điển hình là tỷ lệ nội địa hóa (TLNĐH) đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thực tế đã thất bại khi không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Trong đó, một số DN được coi là DN “đầu đàn” cũng có TLNĐH rất khiêm tốn như: Thaco đạt 15 - 25% đối với xe con, 35 - 45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus; Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đáng lưu ý, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô-tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa... Trong khi đó, TLNĐH của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái-lan.

Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành CN ô-tô và phụ tùng ô-tô”, các chuyên gia và DN sản xuất ô-tô đánh giá, TLNĐH của một số dòng xe còn đạt thấp so mục tiêu đề ra, nên cần sớm có các giải pháp hữu hiệu nâng cao TLNĐH.

Trưởng ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, tuy được đánh giá là thị trường tiềm năng không kém Thái-lan, song Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô-tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so xe NK khá nhiều. Minh chứng là, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi NK chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành CN nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho CN ô-tô, buộc phải NK với chi phí logistics rất cao. Với một sản phẩm có chất lượng tương đồng, xe nhập từ Thái-lan cộng thêm 5% chi phí vận chuyển về Việt Nam vẫn rẻ hơn xe sản xuất trong nước 10 - 20%. CN ô-tô của Việt Nam đang đi sau Thái-lan, Indonesia khoảng 20 năm. Muốn bắt kịp họ, cần có chính sách đặc sắc.

Khảo sát từ các thành viên của Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) mới đây cũng cho thấy, hầu hết các chỉ số hội nhập của các DN đều rất thấp, chỉ có khoảng 77% DN trong nước đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001, trong khi các DN trên thế giới đã đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn nhiều như: SA 8000; OHSAS 18001. Ngoài ra, các chỉ số về năng lực kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, năng lực thích ứng đổi mới sáng tạo và năng lực công nghệ còn ở mức yếu và trung bình.

Chính sách ưu đãi còn nhiều bất cập

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, sản lượng xe ô-tô năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so năm trước. Con số này dường như đi ngược với nhu cầu mua sắm ô-tô của người dân Việt Nam đang ngày càng cao. Thực tế, sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng xe ô-tô tiêu thụ trên thị trường tăng 21% so cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sản lượng sản xuất lắp ráp xe trong nước tăng trưởng rất khiêm tốn, chỉ đạt 131.089 chiếc. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế NK xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, đặc biệt là từ Thái-lan và Indonesia do những ưu đãi thuế quan về mức 0%, khiến giá xe NK từ các nước này rất cạnh tranh.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách ưu đãi (CSUĐ) thuế, tài chính đối với ngành CN ô-tô và phụ tùng ô-tô, song theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), CSUĐ thuế và tài chính đối với ngành này đang tồn tại ba vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thứ nhất là, sự thay đổi nhanh và nhiều của CSUĐ thuế, đặc biệt là các CSUĐ thuế đối với linh kiện. Thứ hai là, sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách. Thứ ba là, thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô-tô nguyên chiếc các loại xuống 0%. Nguy cơ mất thị phần vào tay các DN Thái-lan, Indonesia, thậm chí là Philippines là hiện hữu.

Riêng đối với CSUĐ thuế thu nhập DN, mặc dù đây được xem là một trong những biện pháp ưu đãi chủ yếu, nhằm thu hút đầu tư, tuy nhiên theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), CSUĐ này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo ý kiến phản hồi của các DN CNHT trong nước, không nhất thiết phải ưu đãi thuế thu nhập DN lớn như hiện nay, vì theo nguyên tắc khi DN hoạt động có lãi thì việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng là hợp lý. CSUĐ này có thể là kẽ hở cho một số DN lợi dụng, khi hết thời hạn ưu đãi, họ có thể chuyển sang địa điểm khác, hoặc mở ra dự án mới để lại được hưởng giai đoạn ưu đãi mới.

Đối với chính sách thuế NK, trong một số ngành CN hiện nay, thuế NK vật tư, linh kiện cao hơn thuế NK sản phẩm nguyên chiếc, do đó đã không khuyến khích được các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam vì phải chịu chi phí sản xuất cao hơn so đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.

Về chính sách tín dụng, hiện do những đặc thù của sản xuất CNHT, cũng như xuất phát điểm thấp của DN Việt Nam không đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi bởi đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng… dẫn đến DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, trong pháp luật về đất đai và môi trường cũng không có các quy định đặc thù và rõ ràng về các ưu đãi này cho các dự án CNHT, do đó, chưa có DN CNHT nào tiếp cận được các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước…

Cần xây dựng chính sách hỗ trợ tổng thể

Để bảo đảm chủ trương phát triển ngành CN ô-tô, như phát triển xe tải, xe chuyên dụng, đứng vào phân khúc cao ô-tô toàn cầu…, bà Nguyễn Thị Hải Bình cũng kiến nghị, thời gian tới ban hành các CSUĐ mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô-tô. Đồng thời rà soát, sửa đổi các chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào ngành CNHT ô-tô với mức độ ưu đãi phù hợp quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, ban hành các CSUĐ thuế, tài chính nhằm khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần sửa đổi các chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các DA đầu tư sản xuất ô-tô điện. Thúc đẩy nâng cao TLNĐH thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước...

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VASI cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của DN CNHT thì cần những ưu đãi tín dụng, như Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa ưu tiên cho DN chế tạo, CNHT. Hay có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, DN. Với sự vào cuộc của Chính phủ, sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy DN phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), các chính sách ban hành được một thời gian lại sửa đổi, thay đổi khiến cho không có thị trường, DN nào chạy theo kịp được. Các nước như Thái-lan, Indonesia hay Trung Quốc thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện thương mại tự do là điều chắc chắn xảy ra, nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành CN ô-tô và không có các giải pháp phù hợp để phát triển ngành này trong tương lai. Chính phủ cần xây dựng và tăng cường chính sách hỗ trợ tổng thể, trong đó chính sách thuế phải cân bằng giữa sản xuất trong nước và NK, nhưng ưu tiên cho thị trường trong nước và DN trong nước.