Tạo đà mới xuất khẩu thủy sản

Trong bối cảnh không ít khó khăn vây bủa, để đạt được kim ngạch xuất khẩu (KNXK)10 tỷ USD trong năm 2019 như đã đặt ra, ngành thủy sản phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, để tạo đà đẩy mạnh XK, cũng như vị thế thủy sản Việt Nam trên các thị trường quốc tế, cần tạo sự đồng bộ từ khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức tiêu thụ.

Xuất khẩu thủy sản trong năm nay được dự báo có thể sẽ giảm 1,2% so 2018 khi vẫn đối mặt nhiều rào cản bất lợi trên các thị trường chủ lực. Ảnh: NAM ANH
Xuất khẩu thủy sản trong năm nay được dự báo có thể sẽ giảm 1,2% so 2018 khi vẫn đối mặt nhiều rào cản bất lợi trên các thị trường chủ lực. Ảnh: NAM ANH

Nhiều rào cản bất lợi

Theo dự báo mới đây, KNXK thủy sản của Việt Nam trong quý IV-2019 có thể chỉ đạt 2,44 tỷ USD. Với con số này, tổng kim ngạch XK thủy sản cả năm sẽ vào khoảng 8,7 tỷ USD, giảm 1,2% so 2018. Hai mặt hàng XK chủ lực là tôm và cá tra được cho là trên đà giảm ở một số thị trường lớn.

KNXK tôm trong 10 tháng đầu năm nay đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so cùng kỳ; KNXK cá tra chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10%. Dự báo XK tôm sang châu Âu (EU) những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam. KNXK tôm cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so 2018.

Với cá tra, giới chuyên gia lý giải: do giá trị XK sang một số TT lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm, giá nguyên liệu giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái nên XK cá tra trong thời gian này không thể tăng cao hơn. Đơn cử như thị trường Mỹ, tổng giá trị XK cá tra sang nước này trong 10 tháng qua chỉ đạt 232,9 triệu USD, giảm đến 45,8% so cùng kỳ. Do sự sụt giảm XK sang Mỹ nên một số DNXK cá tra hàng đầu của Việt Nam không đạt doanh số như kỳ vọng.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) Trần Văn Lĩnh, giá nguyên liệu giảm là nguyên nhân chính khiến giá XK giảm. Các nhà nhập khẩu (NK) căn cứ vào giá nguyên liệu tôm từ nước XK lớn nhất là Ấn Độ để đàm phán giá tôm chế biến. Ấn Độ tăng sản lượng, giảm giá 10 - 12% khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh khi giá thành nuôi tôm vẫn cao hơn thế giới.

Mặt khác, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chưa đem lại nhiều cơ hội cho ngành thủy sản như kỳ vọng. Theo phản ánh của các DN, thuế XK sang các thị trường này có giảm nhưng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành. XK thủy sản trong năm nay được dự báo có thể sẽ giảm 1,2% so 2018 khi vẫn đối mặt nhiều rào cản bất lợi trên các thị trường XK chủ lực.

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, việc ký kết EVFTA là tin vui đối với các DN thủy sản. Tuy nhiên, ngay lập tức đẩy mạnh XK thủy sản vào EU là không dễ, vì thị trường này rất khắt khe. Hay như đối với Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất, XK tăng vào quý cuối năm, có thể KNXK sang Trung Quốc giữ được mức tương đương như năm 2018 là 1,2 tỷ USD. Hiện nay, có hơn 150 DN Việt Nam tham gia XK thủy sản sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 DN XK cá tra, gần 50 DN XK tôm và một số DN hải sản. Một số lượng đáng kể DN XK sang Trung Quốc bị ảnh hưởng, chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung và tác động đến các thị trường khác trong khu vực. Vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông - Nam Á.

Điều này cho thấy, đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD trong năm 2019 là rất khó! Chưa kể, trong năm nay, ngành thủy sản phải xóa được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Phó Tổng Thư ký Vasep Nguyễn Hoài Nam nhận định, các DN XK thủy sản Việt Nam đang chịu cạnh tranh lớn trên những thị trường XK chủ lực. Hơn nữa, những thị trường này cũng đưa ra ở cấp độ quốc gia mang tính bắt buộc những quy định rất khắt khe. Thứ nhất, các quy định về an toàn thực phẩm. Thứ hai, trách nhiệm về môi trường. Thứ ba, trách nhiệm xã hội. Thứ tư, truy nguyên nguồn gốc. Trong 5 năm lại đây, những thị trường mục tiêu mà cơ quan quản lý và DN thủy sản Việt Nam luôn nghĩ tới chính là mục tiêu cho xúc tiến thương mại, các mục tiêu cho vượt rào cản, cho vấn đề tiếp cận chuỗi để thâm nhập những nhà bán lẻ lớn tại các thị trường này. Đơn cử, như EU luôn là thị trường định hướng. Các DN nếu chú ý sẽ thấy bắt đầu từ năm vừa rồi có sự sụt giảm chút ít về KNXK thủy sản. Đó là tác động rất rõ rệt của một quy định như chống khai thác thủy sản trái phép (IUU) đã tác động rất lớn đến XK thủy sản.

Tạo đà mới xuất khẩu thủy sản ảnh 1

Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: VŨ SINH - TTXVN

Bài toán đồng bộ chuỗi cung ứng

Ngay từ giữa năm 2019, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) đã nhận định, những tháng còn lại, ngành thủy sản phải đạt KNXK gần 6 tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2019. Tuy nhiên, điều này không dễ khi ngành đang đối mặt nhiều khó khăn từ hầu hết thị trường. Thực tế, XK thủy sản trong quý III và quý IV-2019 đã tiếp tục gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thế giới khiến giá thủy sản ở mức thấp, các nước NK ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và đưa ra các rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Nhiều năm qua, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với những khó khăn nội tại. Tổng Thư ký Vasep Trương Đình Hòe cho biết, ngành thủy sản đang gặp nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh và rào cản thị trường. Việc duy trì nguyên liệu của các DN Việt Nam chưa thật sự tốt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Về tổ chức sản xuất, Tổng Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân thừa nhận, với ngành cá tra, tổ chức sản xuất lớn đã rõ nhưng một số ngành khác như tôm sản xuất nhỏ lẻ còn khá nhiều. Đó là một trong những hạn chế cần khắc phục để nâng cao giá trị của ngành. Ngoài ra, một số ngành mới như nuôi cá rô phi rất có tiềm năng phát triển nhưng việc tổ chức sản xuất phát triển thị trường mới chỉ là bước đầu. Để phát huy hết tiềm năng trong thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt. Ngoài ra, trong từng thời điểm cụ thể, cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành để đạt hiệu quả sản xuất ở mức cao nhất.

Theo ông Luân, FTA sẽ đem tới nhiều cơ hội cho ngành thủy sản, song để tận dụng được là cả một quá trình chuẩn bị, xây dựng chuỗi sản xuất cho các ngành hàng; liên kết giữa người sản xuất, người thu mua, người chế biến, người làm thị trường. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, tất cả cơ hội chỉ nằm trên giấy.

Nguyên nhân chính khiến ngành thủy sản Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này là do khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa được định hướng đồng bộ. Điều đó cho thấy nếu đẩy mạnh công nghiệp chế biến, ngành sẽ không phải loay hoay với mục tiêu thu về 10 tỷ USD, thậm chí còn có thể thu về thêm nhiều tỷ USD nữa.

Trong bối cảnh này, để thúc đẩy tăng trưởng XK trong tháng còn lại của năm, Bộ Công thương cho rằng, cần tận dụng mọi cơ hội cho XK hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát NK vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác. Bộ cũng khuyến cáo các DN cần tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, XK, tránh việc phát triển “quá đà”, dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận XK trở lại.