Tạo đà cho doanh nghiệp xã hội phát triển

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là mô hình tạo ra giá trị kinh tế - xã hội toàn diện và có triển vọng phát triển khả quan nếu được các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, sự có mặt trong Luật DN 2014 vẫn chưa giúp các DNXH hoạt động dễ dàng hơn. Loại hình DN này đang rất cần các chính sách cụ thể hỗ trợ.

Các doanh nghiệp xã hội cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, về kinh doanh, bán hàng. Ảnh: NG.HẢI
Các doanh nghiệp xã hội cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, về kinh doanh, bán hàng. Ảnh: NG.HẢI

Tại Hội nghị DNXH và Phát triển bền vững do Tạp chí Kinh tế Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức mới đây, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành cho biết, khái niệm DNXH là một loại hình DN mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH. Các DNXH đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Tuy nhiên, các DNXH hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, như: thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ, nâng cao năng lực phù hợp cho DNXH; truyền thông và phát triển thương hiệu cho các DNXH cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình này DN này còn hạn chế... Đây là những bất cập cần được khắc phục.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), đại diện Nhóm nghiên cứu về DNXH của CIEM, khái niệm mà các chuyên gia tiếp cận về DNXH chủ yếu là từ định nghĩa trong Luật DN, trong khi thực tế mô hình này đa dạng và rộng hơn rất nhiều. Hệ quả của việc không thật sự hiểu DNXH là gì đang ngăn cản mô hình này tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, dù Luật DN 2014 đã quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DNXH và Chính phủ quy định chi tiết điều này”.

Nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra, chính sách hỗ trợ dành cho DN không thiếu, từ tiếp cận đất đai, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, đào tạo, tư vấn pháp lý… nhưng không có quy định nào nhắc đến DNXH. Với đặc thù là DN cộng đồng (DNCĐ), do những người địa phương tự tổ chức, việc hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là vô cùng khó khăn. Thậm chí, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) còn nhắc tới tình trạng chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt của nhiều chủ DNCĐ.

Theo bà Phạm Kiều Oanh, sẽ không thể đưa họ đến một lớp đào tạo do các giảng viên đại học dạy như các DN khác. Họ cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, về kinh doanh, bán hàng theo đúng nghĩa “cầm tay chỉ việc”. Ngay cả với các DN lớn hơn, việc bắt họ tính toán lợi nhuận để lại cho hoạt động xã hội cũng không đơn giản, nhất là khi trong Luật DN không làm rõ căn cứ trên lợi nhuận trước thuế hay sau thuế… Điều này cũng lý giải, tại sao cho tới thời điểm này, sau hơn bốn năm Luật DN có hiệu lực, mới có 54 DNXH đăng ký hoạt động theo mô hình này.

Các số liệu khảo sát tại Báo cáo “Thúc đẩy phát triển khu vực DN tạo tác động xã hội tại Việt Nam” do CIEM công bố mới đây đã đưa ra những con số rất đáng quan tâm về bức tranh phát triển của mô hình DN này. Theo đó, 72% số DN tạo tác động có quy mô siêu nhỏ về doanh thu (dưới ba tỷ đồng/năm). 28% còn lại nằm trong nhóm nhỏ về doanh thu. Tuy nhiên, có một số rất ít DN có quy mô vừa với doanh thu năm khoảng hơn 100 tỷ đồng. Ước tính ở năm 2017, quy mô trung bình của mỗi DN tác động vào xã hội là 3,9 tỷ đồng về doanh thu. Doanh thu quy mô nhỏ như vậy một phần bởi 40% số DN mới thành lập với ba năm kinh nghiệm, và tuổi trung bình là hơn bảy năm. Đáng chú ý, mặc dù quy mô về doanh thu nhỏ, nhưng 70% số DN có lãi, 18% đạt điểm hòa vốn, chỉ có 12% đang ở trạng thái lỗ. Các DN lỗ và hòa vốn là những DN được thành lập gần đây (năm 2016, 2017) vì đang ở giai đoạn khởi sự.

Báo cáo cho thấy, các DN khá lạc quan về triển vọng phát triển, chỉ có 1% cho rằng doanh thu sẽ giảm, 7% giữ nguyên về doanh thu và 92% dự kiến tăng doanh thu, trong đó 34% cho rằng sẽ tăng một cách đáng kể. Theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, kết quả này một lần nữa khẳng định mô hình DNXH là mô hình tạo ra giá trị xã hội, giá trị môi trường và giá trị kinh tế. Điều này có thể lý giải bởi tính đạo đức trong kinh doanh của mô hình này, tạo sự bền vững trong trung và dài hạn của DN cả về uy tín cũng như tài chính. Việt Nam đã có một hệ sinh thái khá phát triển cho khu vực DN, tạo tác động bao gồm khung pháp lý, các tổ chức trung gian, ươm tạo, các chính sách về khởi nghiệp đang nở rộ, có được sự ủng hộ của cộng đồng, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tuy nhiên vẫn thiếu vắng các chính sách cụ thể, cũng như sự tham gia chưa sâu của khu vực thương mại vào hỗ trợ khu vực này.