Tăng trưởng và hiệu quả

Đến thời điểm cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống ngân hàng (NH) ước đạt hơn 12%. TTTD năm 2020 được dự báo cũng sẽ quanh mức này. Thực tế cho thấy, dù tăng thấp hơn so những năm trước nhưng hoạt động tín dụng đang cho thấy sự hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế (TTKT).

Tăng trưởng thấp hơn so năm 2018 nhưng hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: NAM ANH
Tăng trưởng thấp hơn so năm 2018 nhưng hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: NAM ANH

Theo dự báo của nhóm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), TTTD toàn hệ thống chỉ đạt 12-13% trong năm nay, thấp hơn kế hoạch tăng 14% được NHNN định hướng từ đầu năm và thấp hơn nhiều so mấy năm trước. Nguyên nhân tín dụng giảm do nhu cầu giảm ở nhiều ngành nghề như: bất động sản (BĐS), xây dựng, thép và tín dụng mảng khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là nhóm DN BĐS, đã làm giảm bớt nhu cầu tín dụng NH vào một số lĩnh vực những năm trước hút vốn mạnh.

Mặt khác, tín dụng năm 2019 tăng thấp hơn so năm trước do thời gian qua không ít NH gặp khó khăn khi tăng vốn để đáp ứng quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đặc biệt đối với NH có vốn nhà nước. Trong khi đó, nhóm NH này chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng toàn hệ thống. Việc không tăng được vốn điều lệ buộc các NH phải giảm tốc độ TTTD, ảnh hưởng đến tỷ lệ TTTD chung của toàn hệ thống trong năm nay và cả năm sau.

Cuối năm 2019, các NH như: Agribank, VietinBank liên tục đề xuất được bổ sung vốn điều lệ. Theo Agribank, với quy mô tín dụng liên tục mở rộng, nếu không được tăng vốn điều lệ, NH sẽ không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN. Mặc dù thời gian qua, NH đã chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp II nhưng số vốn đó cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank chỉ có thể tăng TTTD đến hết quý I-2020 dù khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế.

Tương tự Agribank, VietinBank cũng đang “kẹt” do chưa được tăng vốn. Và có thể năm nay NH này có mức TTTD thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây khi hết chín tháng năm 2019 mới tăng được khoảng 3,9%.

Việc tăng vốn cho các NH có vốn nhà nước, theo giới chuyên môn đánh giá là cần thiết. Không chỉ bởi để mở rộng tín dụng cung cấp vốn cho nền kinh tế mà còn bảo đảm năng lực tài chính, hoạt động NH được an toàn, lành mạnh theo chuẩn quốc tế. Còn đối với mức TTTD chung cho toàn hệ thống giảm, theo nhận định của các chuyên gia, đó không phải là điều đáng quan ngại, thậm chí là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, không nên lo lắng tín dụng năm 2019 tăng thấp vì “mức TTTD trong thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu đầu tư, tức là phù hợp khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn đang tăng lên”.

Cùng quan điểm nêu trên, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đánh giá, dù tăng thấp hơn so năm trước, nhưng hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho TTKT. Qua đó cho thấy, vốn NH đang được sử dụng ngày càng hiệu quả. Trong hoạt động tín dụng, chất lượng tín dụng là điều quan trọng nhất, nên không nhất thiết phải hoàn thành mục tiêu TTTD 14% bằng mọi giá.

Các chuyên gia còn đưa ra dự báo, năm 2020, TTTD cũng ở mức 12 - 13% trong bối cảnh TTKT có khả năng sẽ chậm lại. Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV bổ sung thêm một số lý do có thể khiến TTTD ở mức thấp hơn so năm 2019, đó là việc các NH phải chủ động kiểm soát TTTD để đáp ứng chuẩn Basel II. Ngoài ra, các dòng vốn, mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là TPDN... tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường vốn, nhất là từ thị trường TPDN để DN bớt phụ thuộc vào vốn NH và giảm áp lực cấp vốn cho các NH, TS Trần Du Lịch cho rằng, muốn làm được điều này, thị trường vốn, trái phiếu... cần phát triển bền vững hơn nữa. Chủ trương mở rộng và khuyến khích phát triển thị trường TPDN là đúng đắn.

Trước dự báo TTKT thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP của Việt Nam, có ý kiến cho rằng, chúng ta nên đẩy tín dụng tăng cao hơn. Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - NH (Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không cần thiết phải làm vậy. Bởi vì rõ ràng trong năm 2019, TTTD chưa đạt mục tiêu 14%, nhưng TTKT tốt. Điều này cho thấy cần phải xem xét lại quan điểm TTKT dựa trên TTTD có còn phù hợp thời điểm hiện tại.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, việc giảm dư nợ tín dụng là cần thiết để nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường chứng khoán - trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Hướng đi này vừa thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, vừa bảo đảm hệ thống NH hoạt động an toàn bền vững, đồng thời giúp giảm phụ thuộc vào tín dụng. Nhất là trong bối cảnh các NH đang phải áp dụng quy định khắt khe hơn về các chỉ số tài chính, an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn Basel II, lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… đồng vốn cho vay ra của các NH sẽ được tính toán cẩn trọng hơn.

Về phía cơ quan điều hành, TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, TTTD năm 2020 cũng sẽ quanh mức năm 2019. Nhiều NH áp dụng sớm chuẩn Basel II đang bày tỏ hy vọng sang năm 2020 sẽ được NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn để gia cố lợi nhuận.