Sử dụng hiệu quả “công cụ” dự phòng rủi ro

Với nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng (NH) sẽ gặp phải những khó khăn “kép”: kinh doanh không thuận lợi và khả năng nợ xấu toàn hệ thống tăng trong những tháng cuối năm. Do đó, trong bối cảnh các NH vừa tăng cường sự hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp (DN), vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả và an toàn vốn thì việc sử dụng hiệu quả “công cụ” dự phòng rủi ro mang tính điều tiết là vấn đề không thể thiếu.

Với diễn biến khó lường của nền kinh tế và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng có thể sẽ phải chịu khó khăn gấp đôi.
Với diễn biến khó lường của nền kinh tế và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng có thể sẽ phải chịu khó khăn gấp đôi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31-8, tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tăng trưởng 3,68% so cuối năm 2019. Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng dòng tín dụng vẫn được tập trung chủ yếu vào hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong những tháng đầu năm nay, cơ quan này đã phối hợp Sở Công thương tích cực kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 với tổng số vốn các TCTD hai đợt kết nối đạt hơn 87.800 tỷ đồng.

Tại các hoạt động kết nối NH - DN do chính quyền quận, huyện tổ chức, các NH trên địa bàn cũng ký kết cho DN vay 2.747 tỷ đồng. Trong khi gói tín dụng các NHTM cam kết cho vay đầu năm 2020 đến nay đã giải ngân được hơn 208 nghìn tỷ đồng. Tính chung các hoạt động này, đã có gần 300 nghìn tỷ đồng vốn vay với lãi suất thấp được đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, các NHTM ở TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN tương đương số tiền 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ là 142 nghìn tỷ đồng, số dư nợ được miễn giảm lãi vay là hơn 53 nghìn tỷ đồng, cho vay mới lũy kế (từ ngày 23-1 đến hết tháng 7-2020) đạt hơn 387 nghìn tỷ đồng…

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, đầu năm nay, nhiều DN nhỏ vẫn nằm trong diện cho vay của NH, nhưng đến giữa năm diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến “sức khỏe” của DN bị bào mòn đáng kể, dẫn tới chính những đơn vị đó lại không đủ điều kiện NH cấp tín dụng. Trong đó, các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải rơi vào thực trạng này do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh sụt giảm, do tác động của thị trường bị thu hẹp.

Thực tế cho thấy, trong suốt tám tháng năm 2020, do tác động từ dịch Covid-19, nền kinh tế bị bao vây giữa các thông tin không mấy tích cực như: tăng trưởng kinh tế quý I - 2020 giảm mạnh, còn 3,82%, do tác động của dịch bệnh và sang quý II - 2020 thậm chí còn có 0,36% - mức tăng theo quý thấp nhất kể từ khi công bố chỉ số này đầu năm 2006. Việc GDP quý II - 2020 tạo đáy mới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng hai quý còn lại cũng như cả năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn. 

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ngành NH đã chứng tỏ vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ Nhà nước điều tiết tài chính - tiền tệ toàn diện và phát triển bền vững. Đặc biệt, các NH đã cung cấp các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tiêu biểu như các gói hỗ trợ lớn từ: Vietcombank, VietinBank hay Techcombank…

Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của nền kinh tế và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành NH có thể sẽ phải chịu gấp đôi những khó khăn. Khả năng nợ xấu của hệ thống NH sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm, trong lúc các hoạt động vay, cho vay bị giảm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Một số NH như Vietcombank đã tăng 21% chi phí dự phòng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái; MB tăng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm lên tới 40%, khiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5%. 

Ông Vũ Đình Ánh nhận định, việc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu được coi là “công cụ” dự phòng rủi ro mang tính điều tiết bảo đảm cho các NH chống chịu tốt trong “cơn bão” nợ xấu sắp tới. Điển hình như trường hợp Techcombank. Chi phí dự phòng sáu tháng của NH này tăng đột biến, gấp hơn năm lần cùng kỳ. Việc Techcombank sử dụng hơn 1.700 tỷ đồng để xử lý rủi ro trong nửa đầu năm nay khiến tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý II giảm xuống dưới 1%, riêng nợ nhóm 5 giảm 65% so cuối năm 2019, còn hơn 900 tỷ đồng. Và dù phải trang bị “bộ đệm vốn dự phòng” lớn và hệ số an toàn vốn (CAR) luôn duy trì ở mức cao và đạt hơn 16% tại thời điểm kết thúc quý II, song lợi nhuận sáu tháng của Techcombank đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là lý do khiến nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Techcombank là NH sở hữu chất lượng tài sản và nền tảng vốn mạnh mẽ, khả năng sinh lời ổn định.

Theo ông Vũ Đình Ánh, trong khi với người dân, ngành NH không dễ kích cầu tín dụng, còn với các DN thì mọi hoạt động vốn đang trong tình trạng mong manh, nay lại gặp lại “cú sốc” này thì khó lại chồng khó dẫn đến việc các NH phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng “bộ đệm vốn dự phòng”. Bởi lẽ, sáu tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so cùng kỳ năm 2019, khoảng hai triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu. Các dự báo cho thấy tỷ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%. Một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sử dụng hiệu quả “công cụ” dự phòng rủi ro mang tính điều tiết.