Siết chặt kỷ luật tài khóa

Với mỗi quốc gia, kỷ luật tài khóa (KLTK) là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và giảm đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Tại Việt Nam, KLTK đã được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và cụ thể hóa trong các kế hoạch triển khai nhiệm vụ hằng năm của ngành tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong bảo đảm cơ cấu NS, hiện nhiều chỉ tiêu tài khóa như: thu chi NS, cân đối NS... vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Người nộp thuế làm thủ tục kê khai tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Người nộp thuế làm thủ tục kê khai tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Giữ nghiêm kỷ luật thu

Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), KLTK là một tập hợp các quy tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt, thực hiện NSNN, bao gồm: kỷ luật về nợ công, kỷ luật về cán cân NS, kỷ luật về chi tiêu NS và kỷ luật về thu NS. Hay nói cách khác, KLTK là các giới hạn về các chỉ tiêu tài khóa được chuẩn hóa trong pháp luật, tức là các mức về thu, chi tiêu công, cân bằng NS và nợ công được đưa ra. Việc tuân thủ các chỉ tiêu này tức là bảo đảm KLTK và đóng góp tích cực vào sự ổn định tài chính của quốc gia.

Phó Vụ trưởng NSNN (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân nhận định, ở Việt Nam, KLTK cũng được xây dựng theo định nghĩa nêu trên. Việc giữ nghiêm kỷ luật thu NS có vai trò hết sức quan trọng bởi việc hoàn thành thu đúng, thu đủ, thu kịp thời về NS mới có nguồn bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán. Cơ cấu thu NS của Việt Nam đang ngày càng vững chắc hơn, phù hợp sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập. Mặc dù Việt Nam đang thực hiện KLTK ngày càng chặt chẽ, nhưng thời gian qua cho thấy hoạt động này vẫn còn những vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù thực hiện cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo các cam kết hội nhập, nhưng thu NS của Việt Nam vẫn có nhiều chuyển biến quan trọng, với việc tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chống thất thu, chống chuyển giá và xử lý nợ đọng thuế. Thực tế, sau thời gian khó khăn về NS, sang giai đoạn 2016 - 2017, thu NSNN các năm bình quân đạt hơn 22% GDP. Năm 2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422.700 tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán. Riêng thuế, phí chiếm khoảng 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 không quá 22 - 23% GDP).

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, kỷ luật thu NS vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập, giao dự toán chưa sát thực tế; cơ cấu nguồn thu chưa bền vững và còn phụ thuộc các khoản thu không tái tạo, như thu từ quyền chuyển giao sử dụng đất, thoái vốn nhà nước, tài nguyên. Ông Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính - NS của Quốc hội (QH) thẳng thắn nêu, thực tế vẫn còn tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế lớn. Đơn cử, vẫn còn có khoản thu không đúng đối tượng hoặc không nộp kịp thời vào NS... Đặc biệt, nói đến kỷ luật thu không thể không nhắc đến vấn đề nợ thuế. Bởi giữ nghiêm kỷ luật thu sẽ kiểm soát được nợ thuế. Với số nợ thuế hiện nay, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa, thì có xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ thuế hiện nay là khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%). Song, nợ đọng thuế đang là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ đọng thuế nằm ở các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chấm dứt sản xuất, kinh doanh, không còn đối tượng để thu, tồn tại kéo dài qua nhiều năm. Tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2018 đã chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc giữ nghiêm kỷ luật thu.

Siết chặt kỷ luật tài khóa ảnh 1

Hoạt động chi tiêu tại các dự án có sử dụng ngân sách cần phải được thực hiện nghiêm. Ảnh: ANH HẢI

Bất cập ở kỷ luật chi

Về kỷ luật chi NSNN, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng NSNN (Bộ Tài chính) thừa nhận, vẫn còn những bất cập nhất định như tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án (DA) khi chưa cân đối được nguồn vốn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài... đội chi phí lên cao. Vẫn còn tình trạng chi sai, chi vượt định mức. Việc này xuất phát từ chủ trương giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị, một mặt tạo thuận lợi nhưng mặt khác việc thanh tra, kiểm tra chưa sát nên vi phạm vẫn xảy ra. Việc tách bạch chi đầu tư và chi thường xuyên (CTX) khó bảo đảm các định mức kinh tế, kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, DA đầu tư, hiệu quả đầu tư công thấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng chấp hành dự toán hằng năm còn chưa bám sát mục tiêu, bảo đảm nội dung, đối tượng và lĩnh vực chi theo quy định.

Thực tế, tỷ trọng CTX đã giảm xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tỷ trọng chi đầu tư thực hiện tăng lên 26 - 27% (mục tiêu là 25 - 26%); trong khi chúng ta vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh... Việc cơ cấu lại chi giữa CTX - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do CTX lớn, chủ yếu là chi con người (khoảng 60 - 70%), nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Nhấn mạnh về KLTK, PGS, TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, cần cắt giảm một cách đáng kể với CTX - mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu NS. Trong nhiều năm qua, việc tinh giản bộ máy và giảm CTX không thực hiện được như kế hoạch đề ra. Đã đến lúc vấn đề này cần được làm quyết liệt trước khi muốn vay nợ để tài trợ các cơ sở hạ tầng mới mà không làm nợ công và thâm hụt NS tiếp tục tăng cao. KLTK cần phải được thực hiện một cách rõ ràng và nghiêm ngặt để tránh tình trạng thâm hụt NS triền miên và luôn ở mức cao, gây ảnh hưởng bất lợi đến nợ công. Chế độ kiểm toán có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát chi tiêu công. Việc giám sát chi tiêu của Chính phủ cũng cần phải được thể chế hóa và bắt buộc thi hành để tránh tình trạng chi tiêu không đúng mục đích, chi tiêu vượt quá mức cho phép. Theo khuyến cáo của IMF, thiếu KLTK dễ dẫn đến hiện tượng “tùy nghi chính sách”, kéo theo tình trạng bội chi kéo dài và gia tăng nợ công.

Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thực hiện KLTK của Việt Nam thời gian qua còn khá lỏng lẻo khi mà mức thâm hụt NS thường xuyên vượt quá mức mục tiêu, ảnh hưởng sự ổn định của nền kinh tế.

Bảo đảm chi NS thật sự hiệu quả

GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu NS không đủ bù đắp, nên thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao. Thực trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn, ổn định KTVM và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Cụ thể, bội chi NS bình quân năm 2011 - 2015 là 5,69% GDP, năm 2016 đã tăng lên 5,52%, sang năm 2017 giảm xuống còn 3,48% và 2018 lại tăng mức dưới 3,6% GDP.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), về lý thuyết, bội chi NSNN sẽ không thật sự đáng lo ngại nếu nguồn vay nợ được sử dụng một cách hiệu quả và tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế, qua đó tạo ra dư địa cho tăng thu NSNN để có nguồn trả nợ. Nhưng có một thời gian, bội chi quá cao đã dẫn đến gia tăng liên tục nợ công. Số liệu của Bộ Tài chính nêu, nợ công tính đến ngày 31-12-2018 của Việt Nam ở mức 58,4% GDP, tuy bảo đảm trong giới hạn, nhưng vẫn gây ra những áp lực trong việc bố trí nguồn trả nợ trong thời gian tới. Mặt khác, mức độ ưu đãi các khoản vay dành cho Việt Nam sẽ giảm do Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, chi phí vay vốn vì thế sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, KLTK đang được thực hiện ngày càng chặt chẽ, nhưng vẫn còn những hạn chế như hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn dẫn đến hiện tượng “lách luật” vi phạm kỷ luật tài chính, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa theo kịp tình hình mới nên vi phạm lặp đi, lặp lại. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp lý, định mức tiết kiệm chi tiêu; công khai minh bạch trong thực hiện dự toán định kỳ; công khai quyết toán; tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm người đứng đầu...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để tăng cường kỷ luật tài chính, ngành cần kiên quyết và điều hành chi NS theo dự toán QH, HĐND các cấp thông qua. Tuyệt đối không chi ngoài dự toán, trừ những trường hợp phát sinh, cấp bách, cần phải chi bảo đảm đời sống của nhân dân. Tất cả các khoản chi phải được dự toán, cắt giảm những khoản chi không cần thiết; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NS, đặc biệt trong chi thường xuyên… Bộ sẽ không ban hành các chính sách khi không chuẩn bị được nguồn NS. Ngoài ra, phải công bằng, công khai các khoản chi NSNN. Đây vừa là giải pháp trước mắt và cũng là căn cơ lâu dài để bảo đảm chi NS thật sự hiệu quả.