Sát cánh cùng doanh nghiệp

Năm 2019 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.

Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019. Ảnh: NAM HẢI
Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019. Ảnh: NAM HẢI

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì hơn 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Khu vực FDI tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2020 - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Việt Nam bởi đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030.

Nhận thức sâu sắc bối cảnh cũng như vận hội mới, sau hơn 30 năm thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu với Chính phủ trình T.Ư ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW (NQ 50) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là NQ chuyên đề đầu tiên của T.Ư về FDI, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NĐT; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, NĐT và người lao động trong DN.

Bên cạnh NQ 50, trong hai năm qua, T.Ư cũng đã ban hành NQ số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và NQ số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN. Cùng với đó, Chính phủ ban hành NQ số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; NQ số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Đây là những khung khổ chính sách tạo nền tảng cho cộng đồng DN trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi trong thời gian tới.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Mỹ và Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chúng tôi cam kết hợp tác với cơ quan nhà nước Việt Nam để phát triển môi trường pháp lý, hạ tầng cơ sở vật chất, và nhân tài để xây dựng sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần DN. Chính phủ cũng chỉ đạo sát sao các bộ, ngành và địa phương có hành động cụ thể để cải thiện điểm số và nâng hạng về môi trường kinh doanh. Trên cương vị đồng Chủ tịch VBF, tôi kỳ vọng VBF lần này là cơ hội để các DN có thể kiến nghị với các cơ quan Chính phủ, cơ quan Đảng và Nhà nước nói chung về những nguyện vọng của cộng đồng DN và năm 2020 sẽ là một năm có những đột phá mới về cải cách thể chế kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong việc hoạch định và thực thi chính sách, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của cộng đồng DN và luôn cập nhật các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, Việt Nam đã thật sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. DNNN, DN tư nhân và DN FDI là những “đội quân” chủ lực của nền kinh tế. Khi cả ba loại hình DN này phát triển và bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững.

“Trong tiến trình đó không thể thiếu vai trò của DN. Chính phủ cam kết luôn nỗ lực sát cánh cùng DN. Chúng tôi mong muốn luôn có sự đồng hành chủ động, tham gia tích cực từ phía cộng đồng DN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cương vị đại diện Chính phủ Việt Nam tại VBF, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn đề nghị, các NĐT nước ngoài cần chủ động kết nối DN trong nước để chỉ dẫn DN trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ. Gắn kết các DN nhỏ và vừa Việt Nam để các DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng với DN FDI. Các bạn hãy coi Việt Nam là quê hương thứ hai để hành động cho chính mình và cũng là giúp đỡ cho sự phát triển của Việt Nam.