RCEP - Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Với những cam kết khác biệt và linh hoạt hơn so các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra khuôn khổ rõ nét về việc đơn giản thủ tục hải quan (TTHQ), thiết lập quy tắc xuất xứ (QTXX) và tạo thuận lợi tự do hóa thương mại, giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu (XK).

Nông sản có cơ hội mở mang thị trường xuất khẩu với RCEP. Ảnh: NG.NAM
Nông sản có cơ hội mở mang thị trường xuất khẩu với RCEP. Ảnh: NG.NAM

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa hóa QTXX giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất sáu nước ASEAN và ba nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nước đó hoàn tất các thủ tục trong nước. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết. Theo đó, đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15 - 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6% - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho DN Việt Nam trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế.

Giới chuyên gia đánh giá, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường XK ổn định lâu dài, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng XK của Việt Nam. Việc tìm kiếm và xây dựng thị trường ổn định cho các sản phẩm XK, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những thách thức khó lường trong tương lai. Việc ký kết Hiệp định RCEP đã tạo ra một thị trường hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng với quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. 

Cụ thể, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Hồ Chí Minh chia sẻ, RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, ổn định, thuận lợi cho các nước tham gia. Thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cho các DN mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) và thu hút đầu tư.

Thời gian qua, cộng đồng DN cũng đặc biệt quan tâm đến RCEP, bởi đây là thị trường XNK lớn của nhiều DN, nhiều ngành hàng XK tiềm năng.

Theo Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương, các thị trường XK lớn của DN Đồng Nai và phía nam đều tập trung vào: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU). Thực thi RCEP, DN được giảm thuế, TTHQ đơn giản hơn, giúp họ dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở những nước cùng tham gia Hiệp định. Để tận dụng những cơ hội từ RCEP, các DN đã có sự chuẩn bị từ trước về các chứng nhận như ISO, HACCP, USDA… Bên cạnh đó, DN đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ và các dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại như: Công nghệ cấp đông IQF của Mỹ, công nghệ đóng chai HPP, tất cả đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)…

Cùng quan điểm này, theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Tim Evans, mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết Hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Với những lợi ích to lớn được kỳ vọng từ hiệp định, RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập. Thực tế minh chứng Việt Nam đã và đang nhất quán với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 FTA, cả song phương và đa phương. 

RCEP - Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu -0
Hiệp định RCEP đã tạo ra một thị trường hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng. Ảnh: HẢI ANH 

Cần chủ động “đón đầu”

Bên cạnh thuận lợi, DN cũng phải đối mặt những khó khăn khi thuế quan của nhiều mặt hàng giảm về 0%, hàng trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Như vậy, những DN sản xuất chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn trong sản xuất và giữ thị phần. Vấn đề đặt ra đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) là phải đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là vấn đề mà nhiều DN địa phương vẫn đang “loay hoay” do gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Để DN tận dụng được cơ hội từ RCEP nói riêng và các FTA thế hệ mới nói chung, chuyên gia kinh tế Mỹ Frederick R.Burke, Giám đốc Công ty TNHH Baker & Mckenzine Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là chính quyền và DN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính quyền cần hướng dẫn DN một cách cụ thể về các mức thuế quan từng ngành theo lộ trình trong các hiệp định đã cam kết để DN nắm vững, vận dụng thực thi sao cho hiệu quả cao nhất. DN cần đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh cho DN, hạn chế những thách thức, rủi ro phát sinh.

Phó Cục trưởng XNK (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang phân tích, với RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội thị trường rất lớn, nhưng cơ hội đến với XK không hẳn bởi quy mô thị trường. Bởi lẽ đây là thị trường Việt Nam cũng đã có các ưu đãi theo các FTA. Đáng lưu ý hơn, cơ hội ở RCEP chính là từ QTXX nội khối. Trong các nước thành viên RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng, NK rất nhiều nguyên liệu. Do vậy hàng hóa XK sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo Hiệp định, đồng nghĩa dễ được hưởng các ưu đãi thuế quan theo cam kết. 

Theo Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường, do ASEAN đều đã có FTA với các đối tác. Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với năm đối tác trong một hiệp định FTA. Nghĩa là nhờ Hiệp định RCEP, DN sẽ chỉ phải sử dụng một QTXX thay vì năm bộ QTXX riêng ở các FTA trước đây, giúp đẩy mạnh hoạt động XK. Tương tự, các quy tắc về TTHQ và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DNNVV. Do vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn.

Ông Lương Hoàng Thái khẳng định, quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan và DN nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của Việt Nam. Bộ Công thương kỳ vọng vị trí của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, các DN, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. DN trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Bộ Công thương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng XK có lợi thế vào thị trường các nước RCEP và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế để hỗ trợ tốt nhất cho DN.