Quản lý hiệu quả doanh nghiệp lớn

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế, song về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… chúng ta lại chưa có hệ thống cơ chế, chính sách dành riêng cho nhóm DN này. Và đặc biệt, chưa có cơ quan quản lý thuế chuyên biệt với đầy đủ chức năng, thẩm quyền thật sự có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế DN lớn.

Các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu NSNN. Ảnh: NG.ANH
Các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu NSNN. Ảnh: NG.ANH

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31-12-2019, Việt Nam có hơn 750 nghìn DN đang hoạt động. Riêng các DN có kết quả hoạt động kinh doanh đến cuối năm 2019 là 610.637 DN, trong đó DN nhà nước (DNNN) là 2.260 DN, chiếm tỷ lệ 0,37%; DN ngoài nhà nước là 591.499 DN và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 16.878 DN, tỷ lệ tương ứng là 96,86% và 2,77%. Quy mô vốn sản xuất, kinh doanh của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 là 36.712.000 tỷ đồng, riêng các DN có quy vốn kinh doanh hơn 500 tỷ đồng, thì chỉ có 7.192 DN, đạt tỷ lệ… 1,17%, trong đó gồm: 671 DNNN, 4.862 DN ngoài nhà nước và 1.659 DN FDI. 

Về quy mô thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN), tổng số thu ngân sách năm 2019 do cơ quan thuế quản lý đạt 1.277.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô đạt 56.200 tỷ đồng, thu nội địa trừ dầu đạt 1.220.800 tỷ đồng. Tính riêng 561 DN lớn, bằng 0,075% tổng số DN đang hoạt động, thì số thu nộp NSNN năm 2019 đạt 180.400 tỷ đồng, chiếm 22,65% tổng thu NSNN nội địa. Nếu tính bao gồm cả các công ty con trực thuộc 561 DN này, gồm 2.500 DN với số thu NSNN năm 2019 đạt 443.600 tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu NSNN năm 2019.

Tổng số thu NSNN từ 561 DN lớn lũy kế chín tháng năm 2020 đạt 195.620 tỷ đồng, bằng 97% so số lũy kế cùng kỳ và bằng 65% so cả năm 2019. Trong đó: thu thuế TNDN đạt 54.480 tỷ đồng, bằng 91% so lũy kế cùng kỳ và bằng 66,46% so cả năm 2019; thuế GTGT đạt 30.780 tỷ đồng, bằng 70% so cả năm 2019; thuế TNCN đạt 17.260 tỷ đồng; số thuế TTĐB đạt 29.420 tỷ đồng, bằng 87% so cùng kỳ và bằng 59,88% so năm 2019…     Có thể thấy, mặc dù số lượng DN lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,075%) trong tổng số các DN đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các DN lớn đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu NSNN.

Các DN lớn còn đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế đất nước, đồng thời chịu trách nhiệm là đầu tàu, dẫn dẵn, thúc đẩy nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Các DN lớn luôn tạo nên sự phát triển kinh tế đồng đều và giúp nền kinh tế luôn ổn định, giảm bớt các biến động; là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: EVN; TKV hay VNA. 

Thực tế, các DN lớn có nguồn vốn rất lớn và tiềm lực kinh tế mạnh nên có thể nhanh chóng thay đổi và tiếp xúc với sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật trên thế giới. DN lớn có sức cạnh tranh mạnh về vốn, nhân lực và thương hiệu tốt hơn so các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Các DN lớn cân bằng giữa việc sản xuất và kinh doanh cho một nền kinh tế thay vì chỉ hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh và thương mại.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các DN lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế, song lại chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm DN này. Một số chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV. 

Theo đại diện Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, từ khi thành lập đến nay, đơn vị này đã được giao bổ sung thêm một số nhiệm vụ quan trọng như: xây dựng các tiêu chí, lựa chọn DN lớn và thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN lớn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý thuế đối với các DN lớn hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế; hiệu quả công tác quản lý chưa cao, chưa tương xứng kỳ vọng. Thậm chí, đôi khi làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thu NSNN. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuế đối với các DN lớn thực tế chưa đạt yêu cầu về số lượng đơn vị được kiểm tra, còn nhiều hạn chế giám sát sau thanh tra, kiểm tra. Đây là nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện một cuộc thanh tra, kiểm tra thường kéo dài, số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra được triển khai trong những năm qua còn thấp, đạt tỷ lệ từ 5% - 8% số lượng DN lớn thuộc phạm vi quản lý, trong khi đó tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 2710/QĐ-BTC là 20%. 

Theo nhiều chuyên gia ngành thuế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới tổ chức quản lý thuế DN lớn theo mô hình quản lý trực tiếp. Cơ quan quản lý thuế DN lớn thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý thuế, dựa trên mô hình quản lý rủi ro tuân thủ theo hệ thống dọc từ cấp T.Ư đến địa phương. Với những hạn chế, bất cập nêu trên, Việt Nam cần có một đơn vị quản lý nhà nước chuyên biệt với đầy đủ chức năng, thẩm quyền để quản lý thuế DN lớn hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 11-3-2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 90/TB-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018. Trong đó nêu rõ:“Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành thuế theo tinh thần của các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII; tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó lưu ý thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý DN lớn...”.