Nối dài xu hướng giảm giá USD

Nếu đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá trong năm 2021, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Về nhập khẩu (NK), trong năm 2021, khi kinh tế Việt Nam phục hồi, NK sẽ tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, do vẫn còn khó khăn, kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ vẫn xuất siêu trong năm 2021, dù quy mô có thể không lớn như năm 2020. Do đó, sức ép đối với VND tăng lên trong cân đối tỷ giá sẽ vẫn được duy trì.

Tỷ giá USD cũng khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: NAM HẢI
Tỷ giá USD cũng khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: NAM HẢI

Tỷ giá ngoại tệ ngày 17-2, diễn biến giá đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng phục hồi nhẹ do nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đang hút tiền mạnh và Bitcoin vẫn không ngừng tăng. Có những lo ngại rằng chi tiêu tài khóa khổng lồ, cùng với chính sách tiền tệ (CSTT) liên tục nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), có thể khiến USD giảm trong dài hạn. Áp lực chính lên đồng USD là niềm tin về gói cứu trợ Covid-19 của Tổng thống Joe Biden sẽ sớm được thông qua trước ngày 15-3.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD cũng khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sáng 17-2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng ở mức 23.122 đồng, giảm 15 đồng/USD so mức công bố trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.439 VND/USD, tỷ giá trần 23.829 VND/USD.

Thực tế, kể từ năm 2001 đến nay, VND luôn trong xu hướng giảm giá so USD về mặt danh nghĩa, trung bình mỗi năm khoảng 2,5%. Tuy nhiên, năm 2020 là năm ngoại lệ khi giá USD không những không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ so VND. Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, thứ nhất, nguyên nhân khởi nguồn từ CSTT liên tục nới lỏng tiền tệ của FED, bao gồm hạ lãi suất ngắn hạn xuống mức gần 0% và bơm tiền mua tài sản tài chính (nới lỏng định lượng - QE), đã khiến cho đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới. Tính từ ngày 23-3-2020 đến hết tháng 12-2020, chỉ số USD INDEX đã giảm từ mức 103,0 điểm xuống còn 89,5 điểm, tương đương mức giảm khoảng 13%. Thứ hai, trong năm 2020 Việt Nam đã đạt được mức thặng dư thương mại cao kỷ lục từ trước đến nay là 19,1 tỷ USD. Việc Việt Nam xuất siêu quy mô lớn xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Một mặt, xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường thế giới đã tạo ra một số lợi thế cạnh tranh cho các hàng hóa XK của Việt Nam so hàng hóa XK của các nước trong khu vực. Nhờ đó, XK của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5%, bất chấp dịch Covid-19.

Mặt khác, do dịch Covid-19, tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam bị suy yếu nghiêm trọng. Tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 2,91%, còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2020 đã giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến NK trong năm 2020 chỉ tăng 3,6%.

Thực tế cho thấy, xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường thế giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Mức giảm giá hơn 10% của đồng USD trong thời gian qua là chưa lớn, nếu so các đợt suy giảm của đồng tiền này trong thập kỷ 1980 cũng như thập kỷ 2000 với mức giảm vài chục phần trăm. Hơn nữa, FED cũng đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp trong một thời gian dài, đồng thời mua các tài sản tài chính để bơm tiền ra nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đức Độ, nếu đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá trong năm 2021, các DN XK của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Về NK, trong năm 2021, khi kinh tế Việt Nam phục hồi, NK sẽ tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, do nhiều ngành dịch vụ như: du lịch, hàng không… vẫn còn khó khăn, khả năng kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn và NK cũng vậy. Do đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vẫn xuất siêu trong năm 2021, dù quy mô có thể không lớn như năm 2020. Do đó, sức ép khiến VND tăng lên trong cân đối tỷ giá sẽ vẫn được duy trì.

Xu hướng của tỷ giá VND/USD trong thời gian tới phụ thuộc vào việc NHNN sẽ can thiệp như thế nào trên thị trường ngoại hối. Trong bối cảnh thặng dư thương mại ở mức cao năm 2020, NHNN đã mua một lượng lớn USD nhằm ổn định tỷ giá VND/USD, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối lên hơn 90 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Đức Độ, có thể nhận định rằng, trong thời gian tới, NHNN sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Trong năm 2021, NHNN có thể sẽ mua ít USD hơn so năm 2020 sao cho tổng số ngoại tệ mua vào không quá 2% GDP - ngưỡng mà Bộ Tài chính Mỹ đã đặt ra để xem xét các nước có thao túng tiền tệ hay không. Điều này, nếu xảy ra, có thể khiến VND lên giá nhẹ so USD trong năm 2021. Trong bối cảnh đồng USD đang giảm giá mạnh so các đồng tiền trên thế giới, việc để VND lên giá nhẹ so USD không những không gây tổn hại đến năng lực cạnh tranh của các DN XK, mà còn có thể trở thành chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị Bộ Tài chính Mỹ coi là nước thao túng tiền tệ. Sự điều chỉnh chính sách này của NHNN là cần thiết.