Nỗ lực gỡ thẻ vàng xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản (XKTS), đặc biệt là hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) đã sụt giảm mạnh kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU). Sau hai năm, dù các cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN) rất nỗ lực, song đến nay Việt Nam chưa gỡ bỏ được thẻ vàng, do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty thủy sản An Giang.
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty thủy sản An Giang.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), giá trị XKTS tháng 9-2019 ước đạt 733 triệu USD, đưa giá trị XKTS chín tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm 2018.

Tại hội nghị “Đánh giá hai năm thực hiện chương trình DA hải sản cam kết chống khai thác IUU” mới đây, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, sau hai năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, XK hải sản sang thị trường EU bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong tám tháng của năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu (NK) hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, XK qua EU đã tụt xuống đứng thứ 5.

Riêng XK mực, bạch tuộc, theo VASEP, trong tám tháng đầu năm nay đạt 385,6 triệu USD, giảm 7,4% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong tháng 8, XK mực, bạch tuộc đạt 44 triệu USD, giảm gần 31% so cùng kỳ năm ngoái. Trong sáu thị trường NK chính của Việt Nam, thì Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh (ngoại trừ Mỹ). Tại thị trường EU, XK mực, bạch thuộc tám tháng đầu năm đạt 47 triệu USD, giảm 13% so cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Thủy sản dự báo, XKTS ba tháng cuối năm khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và việc các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị XKTS của Việt Nam ba tháng cuối năm và cả năm 2019.

Hiện tại, DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm XK, chi phí sản phẩm bị đội lên và thời gian XK kéo dài. Đáng lo hơn là từ khi EC áp dụng thẻ vàng thì thời gian cấp giấy chứng nhận hải sản khai thác hợp pháp đã bị kéo dài hơn, dẫn tới các khoản chi phí khác phát sinh.

Bày tỏ sự lo lắng vì là DN làm cá biển 100%, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định chia sẻ, trong cơ cấu XK của DN thì thị trường EU chiếm tỷ trọng 60%, nên khi có IUU việc duy trì sản xuất cho hai nhà máy với gần 1.000 lao động của DN rất khó khăn. Trước đây mọi thủ tục kiểm tra tự động, nay có IUU tần suất kiểm tra tăng 80%, có lô hàng kéo dài tới 20 ngày khiến nhiều chi phí khác phát sinh, gây thiệt hại cho DN.

Mặt khác, công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cũng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm độ tin cậy. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu... Theo quy định, cảng cá phải kiểm tra, kiểm soát số lượng tàu đánh bắt hải sản, song điều này sẽ khó áp dụng đối với các tàu khai thác gần bờ hoặc đánh bắt lậu. Trong khi đó, nhiều DN vẫn thu mua hết, kể cả với những hải sản không đủ giấy tờ.

Theo Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, nhận thức rõ ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đối với XK hải sản Việt Nam, ngày 25-9-2017, Ủy ban Hải sản VASEP (VMPC) và các DN chế biến - XK hải sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU”. Qua hai năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng, các DN hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình: đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Trong thời gian tới, các nhóm hoạt động chính của Chương trình “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU” sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn.

Dự kiến tháng 11-2019, DG-MARE sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại những khắc phục của Việt Nam về vấn đề thẻ vàng. Căn cứ theo đó, VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét sửa đổi một số nội dung còn bất cập tại Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch thủy sản. Đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét, tiếp thu các góp ý của VASEP và cộng đồng DN về danh sách cảng biển chỉ định cho NK nguyên liệu thủy, hải sản để sản xuất XK, sớm trình Bộ NN&PTNT phê duyệt…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong việc gỡ thẻ vàng. Muốn giải quyết vấn đề này, thứ nhất, cần phải tập trung vào xử lý các tàu đánh bắt bất hợp pháp và Chính phủ phải có chế tài cho ngư dân biết mà tuân thủ. Thứ hai, việc tái định vị, giám sát hành trình bắt buộc phải có chương trình cụ thể để thể hiện với EU là Việt Nam đang làm và sẽ làm triệt để. Thứ ba, hệ thống thông tin phải truy xuất được hoạt động của các tàu trên phạm vi toàn quốc… Một khi chúng ta cải thiện được ba vấn đề này thì việc gỡ thẻ vàng IUU sẽ không quá khó, thậm chí còn tạo cơ hội cho ngành hải sản tập trung tái cơ cấu, đưa nghề cá nhân dân thành nghề cá công nghiệp, có trách nhiệm và phát triển ngày một bền vững.