Nỗ lực giảm nợ xấu

Tính đến nay, đã có 14 ngân hàng thương mại (NHTM) tất toán trái phiếu và xóa nợ xấu “gửi tạm” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) gồm: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeaBank, Techcombank, OCB, BIDV, VPBank, Kienlongbank và Viet Capital Bank. Bên cạnh đó, vẫn còn một số NH đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu VAMC và dự kiến sẽ nỗ lực giảm nợ xấu ngoại bảng trong thời gian tới.

Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Ảnh: NAM ANH
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Ảnh: NAM ANH

Việc một số NHTM mua lại nợ xấu “gửi tạm” tại VAMC để tự xử lý cho thấy họ đã đủ nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu. Bởi chỉ có bản thân các NH đó mới hiểu rõ từng khoản nợ xấu của mình để có hình thức xử lý, cũng như thu hồi sớm nhất và đúng đắn nhất. Khi các khoản nợ xấu này được xử lý xong sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần làm tăng lợi nhuận thật sự của NH. Tuy nhiên, dù rất muốn, nhưng không phải NH nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những NH có khối lượng nợ xấu lớn. Nhiều NH đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả như những NHTM lớn là BIDV, VietinBank cũng cần thời gian để có thể xử lý dần dần khối nợ xấu.

SCB vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính.

Hay tại Eximbank, lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.300 tỷ đồng, nhưng Eximbank đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Theo dự kiến, vào tháng 6-2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.

Đứng trước nguy cơ nhiều NHTM không thể hoàn thành quy định trên, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm. Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt, hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải NH nào muốn gia hạn cũng được.

Theo những nhận định đã được đưa ra trong Báo cáo chiến lược đầu tư của VDSC, ngành NH dự kiến sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Dù vậy, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những NH ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành, doanh nghiệp (DN) sau dịch bệnh còn khó đoán định.

TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, năm 2020, thu nhập hoạt động của các TCTD sẽ giảm ít nhất khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Hiện nay, các gói hỗ trợ của ngành NH đối với các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gồm giảm lãi suất cho vay và giãn, gia hạn thời hạn trả nợ, nhưng đi kèm với đó là bài toán nợ xấu. Dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4% và như vậy các NH sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến người dân và DN, trong đó có các NH. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi các nước chưa kiểm soát được dịch, nên các DN gặp khó không có khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu tăng, có thể cao hơn mức 3,67% vào cuối năm nay. Đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng hai triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời các vấn đề liên quan nợ xấu.