Nỗ lực điều hành ổn định lãi suất

Thị trường tiền tệ (TTTT) năm 2018 chứng kiến sự biến động của lãi suất huy động (LSHĐ) và tỷ giá, khi hai nhân tố này đều có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Năm 2019, với nhiều thách thức từ kinh tế thế giới và trong nước, lãi suất và tỷ giá liệu có giữ được ổn định là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Ngân hàng Nhà nước kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Ảnh: NG.ANH
Ngân hàng Nhà nước kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Ảnh: NG.ANH

Năm 2018 là năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ được lãi suất, thanh khoản và tỷ giá ổn định. Với nền tảng vĩ mô tốt, áp lực lạm phát dự báo không lớn, một trong những trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2019 là sẽ tiếp tục ổn định tỷ giá thông qua kiểm soát thanh khoản tiền đồng.

Tuy nhiên, dự đoán về triển vọng TTTT năm 2019, theo các chuyên gia tài chính, lãi suất tiếp tục chịu áp lực tăng bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lạm phát có thể sẽ cao hơn so năm 2018, tạo ra áp lực tăng lãi suất tiền gửi với hệ thống NH. Thứ hai, các yếu tố rủi ro bên ngoài gia tăng, trong đó có việc CSTT tại các quốc gia trên thế giới đang theo hướng thắt chặt hơn, trực tiếp góp phần tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu.

Đặc biệt, mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho nền kinh tế năm 2019 được kiểm soát ở mức 14% và chặt chẽ bằng các công cụ TT như lãi suất tái chiết khấu, hệ số quy đổi của từng danh mục tài sản có rủi ro của NHTM, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động từ TT, tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn sang cho vay trung, dài hạn... Các công cụ này tích hợp việc các NHTM rót vốn theo hướng những danh mục khuyến khích và không khuyến khích, nhằm đưa tín dụng gắn với khu vực kinh tế thực, tránh tạo ra “bong bóng” tài sản. Thực tế, TTTD cao đã không còn là mục tiêu và chủ trương của Chính phủ. Do đó năm 2019, NHNN sẽ kiểm soát vốn tín dụng ra nền kinh tế ở mức phù hợp, tăng cường chất lượng tín dụng. Trong đó, tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất được kiểm soát một cách chặt chẽ. Với bối cảnh này, các nhà phân tích tài chính nhận định, các NH khó kỳ vọng TTTD cao năm nay. Đến thời điểm này, hạn mức (room) TTTD đã được định hướng cho các NH, nhưng chưa NH nào công bố hạn mức nhận được. Tuy nhiên, kế hoạch TTTD năm 2019 được các NH xây dựng và trình cổ đông chỉ ở mức tối đa 13 - 14% mức TTTD, song cũng phải đợi NHNN phê chuẩn.

Vụ trưởng CSTT (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng TTTD cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế. Tính đến ngày 25-3-3019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so cuối năm 2018.

Với mục tiêu TTTD ngành NH đưa ra cho năm nay ở mức 14%, các NH sẽ khó đẩy mạnh cho vay như các năm trước. Thế nhưng, lợi nhuận của NH vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng nên để đón đầu cầu vốn khi bước sang quý II, nhiều NH tiếp tục tăng huy động vốn. Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của hơn 30 NH trong tháng 4-2019 cho thấy, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,95%/năm thuộc về SCB. Đây là mức lãi suất được áp dụng đối với tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Tiếp đó là mức lãi suất 8,6%/năm tại Viet Capital Bank và VPBank. Nhóm các NH có vốn Nhà nước xếp dưới cùng, với mức lãi suất tại VietinBank là 7%/năm, BIDV 6,9%/năm, Agribank và Vietcombank 6,8%/năm… Không chỉ tăng lãi suất, nhiều NH còn tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi để hút tiền nhàn rỗi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, bên cạnh việc cần vốn để tăng cho vay và tạo dòng tiền tốt nhằm bù đắp các khoản tiền gửi đến hạn tất toán, nhiều NH muốn có lượng vốn huy động lớn để làm đẹp các con số trên báo cáo tài chính, cũng như cơ cấu lại nguồn vốn khi bị “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% đầu năm nay theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN.

Hiện tại, kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, cầu vốn tín dụng không giảm, NHNN kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng LSHĐ, giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định TTTT, ngoại hối. Vì thế, mặt bằng LSHĐ khó kỳ vọng giảm sâu. Diễn biến này tác động đến mục tiêu giảm lãi suất đầu ra của ngành NH và hiện lãi suất tại Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm với kỳ ngắn hạn và 9 - 11%/năm với kỳ dài hạn. Thực tế, đầu năm 2019, một loạt NH đã công bố giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay, kéo lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam về mức thấp nhất là 6%/năm, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp này từ NH. Nguyên nhân là việc lựa chọn khách hàng để cho vay ưu đãi rất khắt khe. Đó phải là DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, TTTT để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, theo ông Phạm Thanh Hà, năm 2018, NHNN đã phối hợp nhuần nhuyễn nhiều chính sách khác nhau để tạo mặt bằng lãi suất ổn định. Dòng vốn nước ngoài có dấu hiệu rút ra năm 2018 thì từ tháng 12 đã quay trở lại, NHNN bắt đầu mua ngoại tệ của các NH, hỗ trợ tiền đồng cho TT, lãi suất ổn định, không còn tình trạng căng thẳng. Bước sang năm 2019, thanh khoản TT đã khá ổn định.