“Nhỏ giọt” triển khai cổ phần hóa, thoái vốn

Yêu cầu đẩy nhanh, thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước trong các DN đã được Chính phủ phát đi. Cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện, các vướng mắc đặc thù đã được đưa ra bàn thảo để tìm giải pháp tháo gỡ. Đây là động thái được giới đầu tư chờ đợi. Song hoạt động CPH, thoái vốn trong sáu tháng đầu năm 2019 vẫn rất chậm.

Tổng công ty Thép Việt Nam cổ phần hóa từ tháng 10-2011, đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Ảnh: LAM ANH
Tổng công ty Thép Việt Nam cổ phần hóa từ tháng 10-2011, đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Ảnh: LAM ANH

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết quý II-2019, cả nước chỉ có sáu DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó cũng chỉ có một DN thuộc danh mục các DN CPH, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN (CV 991). Lũy kế đến hết quý II-2019, có 35/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo CV 991. Như vậy, tiến độ CPH các DN vẫn cách xa kế hoạch đề ra, số lượng DN còn phải CPH là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch. Về tình hình thoái vốn, tính đến hết quý II, có 9 DN thuộc danh mục ban hành, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó riêng Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II-2019, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng. Đối với số DN nằm ngoài Quyết định 1232, lũy kế từ năm 2017 đến hết tháng 6-2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng, bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco.

Đánh giá về tình hình CPH, thoái vốn DNNN, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, hoạt động này trong sáu tháng đầu năm và kể cả đến hết tháng 7 vẫn triển khai rất chậm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ chế, chính sách đã được Bộ Tài chính hoàn thiện, những vấn đề cần sửa đổi cũng đã được hoàn tất rà soát, lấy ý kiến địa phương để xây dựng dự thảo sửa đổi. Nhiều vướng mắc đặc thù của các đơn vị, địa phương đã được tìm giải pháp tháo gỡ, đề xuất lên Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn ở các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn “nhỏ giọt”, thiếu sự quyết liệt mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, mặc dù tiến độ CPH thời gian qua chậm song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn đều được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm công khai minh bạch, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đất đai. Con số kết quả thu về cho NSNN sau thoái vốn đã chứng minh điều này khi giá trị thu về vượt hơn nhiều giá trị sổ sách. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH. Hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Không chỉ chậm trong CPH, thoái vốn, số DN sau khi CPH chậm niêm yết đến nay vẫn còn khá nhiều. Đến hết quý II-2019, theo rà soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vẫn còn 622 DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 DN vào danh sách các DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Như vậy, đến nay còn 780 DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Được biết, trong tháng 8 này, UBCKNN sẽ tiếp tục rà soát để công bố danh sách DN chậm niêm yết và tiếp tục xử phạt nếu DN không thực hiện đúng quy định. Việc đôn đốc, chỉ đạo vấn đề này cũng sẽ được gắn liền với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại DN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán bảo đảm tính minh bạch, thanh khoản, thực hiện theo chế độ báo cáo thường niên có sự giám sát của UBCKNN, nên việc hút vốn sẽ hiệu quả hơn. Nếu cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo sát sao thì việc đăng ký niêm yết sẽ đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, trong số các DN đã CPH cũng còn những DN chậm quyết toán. Đơn cử như Tổng công ty Thép Việt Nam, CPH từ tháng 10-2011 đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Trong thời gian đó, giá trị tài sản biến động nhiều, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông. CPH rồi mà chậm quyết toán dẫn đến nhiều hệ lụy về tài chính, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, ảnh hưởng tới sức hút của CPH. CPH phải gắn với niêm yết, giám sát công khai.

Về vấn đề này, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Phạm Đức Trung chia sẻ, chậm trễ trong CPH, thoái vốn nhà nước sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, ảnh hưởng tới mục tiêu thay đổi mô hình quản trị, nâng cao tính công khai, minh bạch của DN.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, kết quả CPH đạt được còn quá khiêm tốn khi chúng ta đã đi được hai phần ba chặng đường. Nếu không quyết liệt, sẽ không thể hoàn thành kế hoạch. Để đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp, đặc biệt tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DN theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về đổi mới và phát triển DN vào tháng 7-2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh, lãnh đạo các bộ, ngành, DN cần tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo”, đẩy công văn “xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ tiến trình CPH, thoái vốn tại các DNNN.