Nhiều khó khăn khi đầu tư “điện sạch”

Việt Nam đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy vậy, khi triển khai, nhiều khó khăn đang khiến NĐT phải đối mặt, nhanh chóng tìm hướng giải quyết. Trong đó phải kể tới những bất cập liên quan biểu giá điện hỗ trợ, chi phí đầu tư còn cao, yêu cầu sử dụng đất lớn...

Các dự án năng lượng tái tạo lớn, vốn vay thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư. Ảnh: NG.ANH
Các dự án năng lượng tái tạo lớn, vốn vay thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư. Ảnh: NG.ANH

Chiến lược phát triển NLTT giai đoạn 2015- 2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo NLTT cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 20.000 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời (ĐMT).

Tại một hội thảo phát triển NLTT diễn ra mới đây, Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, với các chính sách nhất quán và cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các NĐT trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển NLTT tại Việt Nam. Thực tế, đến cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW, tám nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về ĐMT, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án (DA) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), hai DA đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ NLTT, không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn, đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy vậy, tiềm năng NLTT chưa được phát huy khi nhiều rủi ro vẫn hiện hữu. Liên quan biểu giá điện hỗ trợ (FIT), bà Linh Doan, Cố vấn Pháp luật của Watson Farley & Williams cho biết, giá FIT ĐMT sẽ kết thúc vào ngày 30-6-2019, một đề xuất dự thảo đã có vào tháng 2-2019 nhưng chưa được thông qua thành luật. Bên cạnh đó, hạn chót vận hành thương mại cho các DA gió ngoài khơi là ngày 1-11-2021 không phản ánh thực tế phát triển gió ngoài khơi, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi các nhà phát triển và NĐT nước ngoài cần sự ổn định và niềm tin từ phía Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận của DA phụ thuộc rất lớn vào giá điện quy định. Quy định mới về giá điện gió, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 39/2018 QĐ-TTg cho thấy DA điện gió trên đất liền là 1.928 đồng/kWh, tương đương 8,5 UScent/kWh; DA điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh. Quy định mới về giá điện gió là một ưu tiên lớn đối với DA đầu tư điện gió, đặc biệt điện gió trên biển như Kê Gà (Bình Thuận). Tuy nhiên, DA phải nối lưới và vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021. Đây là thách thức đối với DA đầu tư Kê Gà trong việc đưa công trình vào vận hành thương mại đúng theo quy định.

Phản ánh những khó khăn khi phát triển ĐMT áp mái, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng cho biết đến nay, EVN chưa thể ký hợp đồng mua bán ĐMT với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng. Giá thành lắp đặt 1 kWp ĐMT còn cao (khoảng 1.000 USD), chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các DA ĐMT, các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.

Liên quan chính sách giá bán lẻ, EVN cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW khuyến khích loại bỏ độc quyền trong ngành điện; biểu giá phải được xác định theo cơ chế thị trường. Thực tế, giá bán lẻ được áp dụng đồng nhất cho mọi khu vực, dẫn đến giá không phản ánh nhu cầu thị trường, hạn chế cạnh tranh và khó khuyến khích đầu tư. Chưa kể, biểu giá điện bị kiểm soát hoàn toàn trong khi năng lượng sơ cấp khác biến động, dẫn tới thiếu vốn đầu tư.

Đánh giá tổng thể, ông Nguyễn Minh Duệ cho rằng, đối với bất kỳ DA đầu tư nào, bên cạnh lợi ích đạt được cũng gặp phải những rủi ro, đặc biệt đối với DA điện NLTT mới mẻ và phụ thuộc điều kiện thiên nhiên nên rủi ro càng lớn. Xuất phát từ đặc thù của các DA đầu tư điện gió, ĐMT, các yếu tố rủi ro được nhận dạng như tổng mức đầu tư DA điện NLTT phụ thuộc vào suất vốn đầu tư cho một đơn vị công suất. Các DA điện gió, ĐMT có suất vốn đầu tư dao động rất lớn tuỳ thuộc vào địa điểm, thị trường thiết bị làm tăng - giảm tổng mức đầu tư DA, gây rủi ro rất lớn, các NĐT cần xem xét đánh giá. Bên cạnh đó, về hệ số chiết khấu tài chính, các công trình NLTT lớn, vốn vay thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn vay, lãi suất vay lớn sẽ làm tăng giá trị hệ số chiết khấu tài chính làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư nên cần phải xem xét đánh giá.

Mặt khác, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, do tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam rất cao nên việc đẩy nhanh phát triển NLTT cũng cần phải chú ý một số đặc điểm như công suất phát của các nguồn điện này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên cần có giải pháp để ổn định chất lượng điện năng. Đặc biệt, Việt Nam cần hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan công tác thiết kế, vận hành các nguồn điện sử dụng NLTT; tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT; các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia phát và truyền tải điện từ nguồn NLTT. Nghiên cứu xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm công tác dự báo chính xác, tin cậy…