Ngăn chặn tín dụng “đen”

Tình trạng tín dụng “đen” hoành hành trong suốt thời gian dài và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” để lại những hậu quả nặng nề cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước và người dân. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do nhu cầu tín dụng tiêu dùng (TDTD) của người dân lớn, song không phải ai cũng đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn mà tín dụng chính thức đề ra, do đó một bộ phận người dân đã tìm đến tín dụng “đen”.

Quảng cáo cho vay tiền được dán tràn lan khắp nơi.
Quảng cáo cho vay tiền được dán tràn lan khắp nơi.

Trong những năm qua, mặc dù hoạt động TDTD chính thức đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, tuy nhiên, tình trạng tín dụng “đen” vẫn tồn tại và gây nhiều hệ lụy. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh (giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Thương mại), có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng “đen” vẫn có “đất sống”. Thứ nhất, về phía cầu, người dân tìm đến nguồn tín dụng “đen” bất chấp lãi suất vay rất cao do không thể vay từ NH, tổ chức tài chính (TCTC) với những quy định ngặt nghèo, thời gian thẩm định hồ sơ lâu. Trong khi đó, các cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi không cần hợp đồng, xác minh thu nhập trả nợ, thậm chí chỉ bằng thỏa thuận miệng giữa người cho vay và người cần vay, khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng có thể được giải ngân nhanh chóng. Thứ hai, về phía cung, một nhóm cá nhân bất chấp pháp luật muốn làm giàu nhanh, có thế lực ngầm trong xã hội để có thể đòi nợ bằng nhiều biện pháp mạnh, nên khi thấy có cầu về tín dụng “đen” họ sẵn sàng đáp ứng.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, các chế tài xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi chưa tương xứng tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe nên vấn nạn tín dụng “đen” ngày càng gia tăng. Tình trạng tín dụng “đen” hoành hành trong suốt thời gian dài và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước và người dân. Cụ thể, tín dụng “đen” làm cạn kiệt sức lực và tinh thần của người đi vay, nó giống như chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, bám riết và đe dọa cuộc sống của những người dân trót vướng vào vòng xoáy tín dụng “đen”.

Theo bà Lê Thị Tuấn Nghĩa, giảng viên Học viện Ngân hàng, để khởi tố được tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, cần nhiều yếu tố gồm cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức 20%/năm trở lên, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Khi có đủ các yếu tố này, người cho vay nặng lãi mới bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Chế tài nhẹ như vậy rất khó có tác dụng răn đe với đối tượng phạm tội. Trong khi đó, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng “đen” cũng có am hiểu nhất định về pháp luật và có nhiều thủ đoạn tinh vi để “lách” luật như: thỏa thuận với người vay về việc chỉ ghi trên giấy vay nợ lãi suất theo quy định của pháp luật, lãi suất thực tế sẽ cao hơn nhiều, hay biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình như nhà, xe để đối phó những quy định của pháp luật.

Không chỉ vậy, tín dụng “đen” cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp (DN). Mặt khác, khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó kiểm soát lượng cung tiền, vì vậy, việc thực hiện chính sách tiền tệ gặp rất nhiều khó khăn. Tín dụng “đen” còn gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. Những vụ đổ vỡ tín dụng “đen” với quy mô lên tới hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng gây ra bất ổn cho từng cá nhân, DN và cả nền kinh tế.

Bên cạnh những hệ lụy về kinh tế, tín dụng “đen” còn gây ra những bất ổn về trật tự an toàn xã hội. Lãi suất vay của tín dụng “đen” thường rất cao, khả năng người vay không trả được nợ là rất lớn. Khi con nợ không thể trả nợ, lập tức sẽ bị khủng bố tinh thần, bị hành hung, gây mất ổn định xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong bốn năm từ 2015 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng “đen”, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản… Đây thật sự là vấn đề đáng báo động, vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân Đặng Ngọc Đức cho rằng, tín dụng “đen” bùng nổ như hiện nay cho thấy nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân là rất lớn, trong khi các gói tài chính tiêu dùng hiện hành mới chỉ dừng lại ở những khoản vay tiêu dùng (VTD) lớn như: mua nhà, mua ô-tô… Bởi vậy, Chính phủ và NHNN cần sớm ban hành các quy định để phát triển thêm các sản phẩm cho VTD để ngăn chặn và loại bỏ tín dụng “đen”, những sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo và đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cần phải bổ sung những quy định mới, đi đôi với hoàn thiện những quy định hiện hành đối với hoạt động cho VTD, sao cho có thể hoàn thiện cơ sở pháp lý để các TCTC phát triển hoạt động cho VTD nói chung và hạn chế, xóa bỏ tín dụng “đen”.

Ngoài ra, cần cải tiến quy trình tín dụng của các TCTC chính thức. Bởi, tín dụng “đen” trở thành mảnh đất màu mỡ là nhờ vào thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Do đó, thủ tục vay vốn của các TCTC chính thức cần đơn giản, dễ hiểu, nhanh gọn hơn, song vẫn phải bảo đảm an toàn vốn vay. Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế tín dụng “đen”, tăng mức xử phạt các đối tượng lừa đảo trong việc huy động vốn và cho vay tín dụng “đen” để răn đe và xử lý thích đáng các đối tượng này...