Nâng tầm nông sản

Không đơn thuần là giúp tiêu thụ nông sản, những sản phẩm độc lạ như mì cải bó xôi, bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, bánh mì sầu riêng… đang mở ra hướng đi mới trong việc nâng tầm nông sản Việt, tạo thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Sáng tạo trong quá trình kết hợp, chế biến, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đã chủ động làm mới các dòng thực phẩm truyền thống và được thị trường đánh giá cao.

Nhiều người tìm mua các sản phẩm bún, mì được sản xuất kết hợp rau, củ, quả. Ảnh: CTV
Nhiều người tìm mua các sản phẩm bún, mì được sản xuất kết hợp rau, củ, quả. Ảnh: CTV

Tìm hướng thị trường

Bún dưa hấu, bánh tráng thanh long là hai dòng sản phẩm mới đang được thị trường đón nhận của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods). Theo anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods, chỉ sau nửa tháng “chào sân”, hai sản phẩm này đã được tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và 14 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với sản lượng khoảng 60 tấn.

Đơn hàng mới đang tiếp tục tăng mạnh. “Với kinh nghiệm từ các dòng mì, bún, bánh tráng phối hợp với rau, củ đã triển khai ba năm qua, chúng tôi nhanh chóng ra được công thức chuẩn cho dòng sản phẩm mới để kịp tiêu thụ bớt lượng dưa hấu, thanh long đang ùn ứ trên thị trường. Có ngày cả công ty gần 200 người từ giám đốc đến bảo vệ ăn mẫu thử mấy lần để tìm ra hương vị, mầu sắc, chất lượng tốt nhất trước khi sản xuất hàng loạt. Cuối cùng cũng thành công”, anh Toàn vui vẻ nói.

Không đợi đến thời điểm nông dân nhờ giúp tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh mà vài năm trở lại đây, khi nhận thấy sự chững lại của thị trường lương thực, thực phẩm truyền thống, công ty của anh Toàn đã phát triển gần 20 dòng sản phẩm bún, mì, miến, bánh tráng trên phương thức kết hợp cùng rau, củ. Bánh tráng nghệ, củ dền, cải bó xôi; bún chùm ngây, trà xanh, lá dứa hay mì cải bó xôi, cà rốt, bí đỏ, hoa đậu biếc, mè đen… là cách làm mới mà Duy Anh Foods đang hướng tới để tiếp cận đa dạng nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo thêm kênh tiêu thụ ổn định cho nhiều dòng nông sản trong nước. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu nội địa, dòng sản phẩm phối hợp rau, củ của DN này đang được thị trường quốc tế đánh giá cao với mức tiêu thụ hàng nghìn tấn mỗi năm. Trong số 42 nước trên thế giới nhập khẩu mặt hàng này, thị trường Bắc Âu bao tiêu hết dòng mì rau, củ của Duy Anh Foods với mức giá ổn định.

Ống hút gạo, mì, bún, nui kết hợp cùng rong nho, mè đen, đậu nành, hạt sen… cũng là những dòng sản phẩm hút hàng của Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu vài năm trở lại đây. Giá bán cao hơn mặt hàng truyền thống 5 - 6 nghìn đồng/kg, nhưng thành phần tự nhiên và đa dạng sự lựa chọn, các sản phẩm này hiện được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Riêng thị trường trong nước hiện mức tiêu thụ dòng sản phẩm mới đã tăng gần bốn lần so giai đoạn mới giới thiệu. Trung bình mỗi tháng công ty còn xuất khẩu sang Australia và châu Âu hơn 60 tấn sản phẩm mì nui, rau, củ. Theo ông Võ Minh Khang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu, phản hồi của khách hàng với dòng sản phẩm mới khá tốt: “Cái hay là những sản phẩm này vẫn giữ được chất lượng truyền thống và bổ sung thêm dưỡng chất từ rau, củ, nguồn nông sản chủ động từ thị trường trong nước. Hiện, khách hàng quan tâm rất nhiều đến yếu tố sức khỏe nên việc sáng tạo ra những dòng sản phẩm mới đáp ứng tốt các yêu cầu này sẽ tăng tính thuyết phục. Từ việc chỉ xuất khẩu vài trăm kg mỗi tháng, giờ đã tăng lên 60 tấn cho thấy tín hiệu khả quan từ sự thay đổi đột phá này. Chúng tôi đang tìm cách sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới và tìm cách giảm giá thành để sản phẩm trở nên thông dụng hơn”.

Phân tích góc độ thị trường tiêu thụ, TS Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, hướng sáng tạo này của các DN đang mở ra hướng mới có lợi cho người trồng. Nếu DN chế biến thực phẩm phối hợp tốt với nông dân, đầu ra của nông sản không chỉ được bảo đảm mà việc này còn giúp tận dụng tối đa nguồn tiêu thụ, điều mà thị trường hiện nay chưa làm tốt. Với cách làm truyền thống, gần 40% sản lượng rau, củ trong nước được xếp vào dạng thải loại, lợi ích kinh tế không đáng là bao. Vì khi thu mua nông sản, đa phần DN chỉ chọn loại thượng hạng, loại 1 để dễ tiêu thụ. Nắm phần nông sản phẩm chất thấp hơn, nông dân phải bán mão với mức giá rất “bèo” trong khi mức độ đầu tư là như nhau. “Vậy nên, nếu các công ty thực phẩm tạo được nhiều dòng hàng kết hợp với nông sản, bà con nông dân sẽ thu được giá trị toàn diện từ nông sản. Hiện nay, chúng ta chưa chú trọng công nghệ sau thu hoạch khiến lượng nông sản thất thoát khá cao (20 - 30%), tận dụng chế biến được là rất tốt”, TS Thiện phân tích.

Nâng tầm nông sản ảnh 1

Kiểm tra thành phẩm bún dưa hấu tại Duy Anh Foods. Ảnh: CTV

Cần những kế hoạch dài hơi

Với hơn 50% diện tích đất dành cho nông nghiệp (gần 114 nghìn ha), TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình để nâng tầm chất lượng nông sản. Thành phố tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như đưa vào hoạt động Trung tâm công nghệ sinh học, Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cùng nhiều chính sách thiết thực để nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi nông sản. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm đến 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hơn 25.300 hộ gia đình tại thành phố đang tham gia sản xuất nông nghiệp, 70% lao động đã qua đào tạo, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tăng đều mỗi năm. Hiện, thành phố có hơn 100 hợp tác xã và một liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã điển hình với những cách làm mới, thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản và đã có sản phẩm xuất khẩu được thị trường đánh giá cao.

Đa dạng thể loại, chiếm ưu thế về sản lượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa đạt được giá trị kinh tế cao như kỳ vọng do vẫn gặp phải nhiều hạn chế. Thiếu sự đầu tư đồng bộ để phát triển thương hiệu cùng những bất cập trong khâu bảo quản, chế biến nông sản là các nguyên nhân chính kéo giảm giá trị của các mặt hàng nông sản. Thay vì được quy định giá bán, hiện gần 50% sản lượng rau, củ, quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được tiêu thụ qua thương lái theo giá thị trường trong ngày. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” ảnh hưởng đến hướng phát triển bền vững của nhiều hộ nuôi trồng. Nông sản tại các địa phương khác cũng không ngoại lệ. Chỉ cần gặp trục trặc về xuất khẩu, nông dân tại nhiều vùng lại “khóc ròng” nhờ giải cứu nông sản. Do đó, việc xuất hiện các sản phẩm phối hợp rau, củ, quả đã và đang tạo thêm kênh tiêu thụ ổn định cho nhiều vùng nông sản dồi dào. Là tín hiệu đáng mừng nhưng TS Từ Minh Thiện cho rằng, thay vì trông chờ DN, bản thân mỗi nông dân phải thay đổi công nghệ trồng trọt theo các chuẩn mới để chủ động đầu ra thay vì chạy theo số lượng: “Sản phẩm sáng tạo là một chuyện, phần quan trọng vẫn là chất lượng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và cách quảng bá nữa. Chính sách hỗ trợ thành phố không thiếu, vấn đề là các đơn vị tiếp cận như thế nào cho hiệu quả”.

Bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của nhiều DN, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều kế hoạch dài hơi để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông sản chất lượng cao. Thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nhất là các sản phẩm chủ lực nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định.

Chuyên tiêu thụ lương thực, thực phẩm, nông sản chất lượng cao, hơn hai năm nay, ông Nguyễn Hà Quốc Anh (Chủ Hệ thống Baka Food) chấp nhận chi khoản tiền lớn mà thu về lợi nhuận thấp để từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Theo ông Quốc Anh, sự ra đời của những “nông sản sáng tạo” sẽ tạo vị thế cho các DN Việt Nam trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Thế nhưng không phải cứ nhiều sản phẩm độc lạ là tốt. Vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là cách phối trộn nguyên liệu và kỹ thuật chế biến như thế nào để gia tăng giá trị cho sản phẩm về tính thẩm mỹ, dược tính, hương vị hay độ tiện lợi... Như vậy mới làm nên những sản phẩm thật sự khác biệt, thu hút sự chú ý của khách hàng.