Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được thực thi, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam phải lựa chọn giữa tăng trưởng hay bị thôn tính khi được thực hiện. Theo đó, các DN sẽ phải đồng thời đối diện sức ép gia tăng, cạnh tranh quyết liệt và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ.

EVFTA đi vào thực thi sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Ảnh: LAM ANH
EVFTA đi vào thực thi sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Ảnh: LAM ANH

Theo báo cáo điều tra Chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 39/160 nước điều tra, xếp thứ 3 ở Đông - Nam Á sau Singapore và Thái-lan, tăng 25 bậc so xếp hạng 64 năm 2016. Trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 - 15%, được ghi nhận là ngành có tiềm năng lớn nhất đối với nền kinh tế. Các hoạt động logistics tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, kho bãi, quản lý hàng và vận tải quốc tế. Trong đó, vận tải là lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất trong hệ thống logistics của Việt Nam. Các thành phần và tỷ lệ của các thành phần trong tổng chi phí logistics của Việt Nam khá cao: chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí tồn kho và chi phí quản lý chiếm 40%. Nguyên nhân chính đẩy chi phí vận tải trong hoạt động logistics bao gồm: chất lượng hạ tầng kém khiến chi phí cao, kết nối hạ tầng yếu, kết nối phương tiện kém, nhận thức của DN về logistics còn thấp…

Tại Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Vụ trưởng Thị trường EU - châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh cho biết, kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường logistics của EU trong năm 2019 đạt 1,150 tỷ Euro, dự báo đến năm 2024 đạt 1,345 tỷ Euro.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại tại Anh cho biết, dự kiến trong năm 2020, EVFTA sẽ chính thức được thực thi, mang lại lợi ích không chỉ cho Việt Nam mà cả phía EU. Cụ thể, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại EU sẽ tăng trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển chưa có FTA với EU. Ngược lại, nhập khẩu (NK) từ EU vào Việt Nam cũng tăng khi hầu hết các sản phẩm các loại được giảm thuế NK trong bối cảnh nhu cầu và sức mua tại Việt Nam tăng. Dự báo, kim ngạch XK từ Việt Nam sang EU tăng 20% trong năm 2020; 42,7% năm 2025; 44,37% năm 2030, tương ứng với NK vào Việt Nam từ EU là 15,28%, 33,06%, 36,7%.

Theo đánh giá từ Bộ Công thương, EU là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam. Mỗi năm các cảng biển tại EU xử lý khoảng bốn tỷ tấn hàng hóa, trong đó lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics, kho bãi chiếm 11%, các dịch vụ logistics khác chiếm 43%. Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm nay XK hàng hóa từ Việt Nam sang EU giảm 1%, chủ yếu giảm do XK linh kiện điện thoại, hải sản giảm. Trong năm 2019, dự kiến tốc độ tăng trưởng XK từ Việt Nam vào thị trường logistics của EU là 2,67%, thấp hơn so năm 2018 là 3,70%. Nguyên nhân là do thương mại quốc tế giảm, Brexit, các quy định mới về môi trường, nguồn lao động trên thị trường logistics…

Do đó, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, EVFTA đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho XK tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ logistics như: vận tải, hỗ trợ vận tải… Đây là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, dự kiến năm 2020, EVFTA chính thức được thực thi sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 512 triệu dân. Về những thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam, cam kết mở cửa thị trường logistics là 51%. Ý nghĩa của con số 51% này là doanh nhân/nhà đầu tư EU có thể sở hữu DN logistics lên tới 51% thông qua góp vốn liên doanh hay mua cổ phần. Quyền quyết định tại DN thuộc về cổ đông có hơn 50% cổ phần. Tuy nhiên, điều kiện an toàn là không ảnh hưởng hay có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Do đó, các chủ DN Việt Nam sẽ phải lựa chọn: Tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các DN sẽ phải đồng thời đối diện gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ. Trong thời gian tới, khắc phục được các vấn đề thị trường và có sự chuẩn bị tốt thì sẽ có tăng trưởng đột biến trong năm 2020.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ có nhiều, nhất là đối với người lao động. Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. Đặc biệt, đối với nền kinh tế Việt Nam, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics gia tăng. Để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong EVFTA, ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ratraco cho rằng, các DN logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các DN cung ứng các dịch vụ logistics khác nhau như: hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm… Nếu chúng ta có thể khắc phục được những hạn chế trên, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng tính kết nối của phương tiện thì sẽ giảm chi phí vận tải, nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics. Giảm chi phí logistics đồng nghĩa với việc thúc đẩy cho sự phát triển của hàng hóa xuất, nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia.