Nan giải bài toán thiếu vỏ container

Hoạt động xuất khẩu (XK) những tuần đầu năm 2021 bất ngờ gặp khó do thiếu container và chi phí thuê tăng đột biến. Dù Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị các hãng tàu phải minh bạch thông tin về giá cũng như có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, song tới nay tình trạng tăng giá container vẫn diễn ra, khiến nhiều ngành hàng XK rơi vào thế khó.

Khoảng 60% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được đóng trong các container. Ảnh: HẢI NAM
Khoảng 60% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được đóng trong các container. Ảnh: HẢI NAM

Lao đao vì thiếu container rỗng

Theo dữ liệu thương mại của LHQ, khoảng 60% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, đóng trong các container, với tổng số khoảng 180 triệu vỏ container trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so mức 60 ngày trước đây. Tình trạng này đã dẫn tới việc thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu (XK) trên toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tại Việt Nam, theo phản ánh của doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành hàng nông, thủy sản, kể từ đầu tháng 10-2020 tới nay, DN không chỉ gặp tình trạng khan hiếm container đóng hàng XK mà giá thuê vỏ container còn tăng gấp ba so thời điểm trước khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều DN bị đảo lộn bởi đơn hàng thì nhiều nhưng không thể giao kịp cho đối tác.

Theo khảo sát của Hiệp hội các DN Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 40% số DN được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo là chưa có. Và có 43% số DN cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.

Là một trong những DN đang đối mặt khó khăn bởi tình trạng này, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE Phan Văn Có cho biết, các đơn hàng XK gạo đến kỳ phải giao cho đối tác của DN đang phải nằm chờ đến lượt được hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi. Việc phải “nằm chờ” đang gây thiệt hại nặng cho DN bởi chi phí bị đội lên. Đó là chưa kể thời gian vận chuyển lâu hơn bình thường sẽ ảnh hưởng chất lượng hàng hóa.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An bức xúc, hiện đối tác châu Âu (EU) ngỏ ý đặt hàng nhiều song DN phải từ chối vì không thể tìm được chủ tàu đồng ý bốc hàng đi thị trường này. Rất nhiều đối tác tại EU đặt hàng với Trung An nhưng DN không dám ký vì lo không thể giao kịp tiến độ, dẫn tới không bảo đảm theo hợp đồng. Thậm chí với những đơn hàng đã ký rồi thì hiện trong tình trạng nằm ngoài cảng chờ đến lượt được bốc hàng lên tàu.

Cầu tăng - cung ít thì… giá tăng

Theo lý giải của một số chủ hãng tàu, do tác động của đại dịch Covid-19, quý I - 2020, dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu (XNK) của cả chủ hãng và hãng tàu đều bi quan, do đó, quý II - 2020 các hãng tàu điều chỉnh giảm lượng tàu vận hàng. Tuy nhiên, quý III - 2020 có sự thay đổi hành vi tiêu dùng lớn từ thị trường Mỹ, EU, Australia làm tăng đột biến XK vào các thị trường trên, đặc biệt là Mỹ. Thị trường này không bốc dỡ nhanh vì thiếu nguồn nhân lực do giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu vỏ container.

Nguyên nhân thiếu vỏ container đã được đề cập, các DNXK và cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN), trực tiếp là Bộ Công thương và Bộ GTVT cũng đã kêu gọi các hãng tàu giảm giá, chia sẻ khó khăn với chủ hàng trong bối cảnh Covid-19. Tuy nhiên, việc sẵn sàng giảm giá vận chuyển hay không phụ thuộc ý chí của các hãng tàu vì công bằng mà nói giá cước đang được vận hành theo cơ chế thị trường, cầu tăng - cung ít thì giá tăng và ngược lại.

Để giải quyết được bài toán thiếu vỏ container, một số giải pháp được đưa ra như nghiên cứu vận chuyển bằng đường sắt sang EU để tránh phụ thuộc vận tải đường biển. Tuy nhiên, chi phí, thời gian vận chuyển đường sắt từ Việt Nam sang thị trường như EU, Mỹ… không thể cạnh tranh bằng vận chuyển đường biển.

Một số hãng tàu đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết tình trạng hàng nghìn container vô chủ ở cảng để lấy nguồn container rỗng cho XK. Nếu tình trạng vỏ được cải thiện thì giá cước sẽ bình ổn. Bởi theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 10-2020, số lượng các container phế liệu còn tồn đọng từ hơn 90 ngày trở lên, tại các cảng biển còn khoảng 3.300 container.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, việc giải phóng lượng container vô chủ này là bài toán khó bởi liên quan vấn đề sở hữu, nếu CQQLNN làm không kỹ sẽ dẫn đến trường hợp bị kiện ngược lại từ phía chủ lô hàng.

Phó Cục trưởng  XNK (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, thủ tục giải quyết chỗ container vô chủ rất phức tạp nên khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Nhà nước có thể cho DN đấu thầu giải quyết số container vô chủ thay vì lập hội đồng cơ quan nhà nước để giải quyết. Nhưng muốn vậy cũng phải sửa đổi các quy định, mà việc sửa đổi văn bản thường không nhanh…

Ông Trần Thanh Hải khuyến nghị, các DNXK cần chuẩn bị cho tình hình thiếu container còn có thể kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế ở nhiều nơi trên thế giới để có kế hoạch trao đổi với đối tác giãn tiến độ giao hàng. Các hãng tàu cũng cho biết tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3-2021, thậm chí có thể đến quý II - 2021 nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Cần minh bạch giá cước

Bày tỏ những bức xúc trước tình trạng giá cước mà các hãng tàu đưa ra và cách thức áp đặt giá, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ cuối tháng 10-2020 các DN thủy sản thuộc hiệp hội này đã nhận thông báo của một số hãng tàu vận tải container như: Wan Hai Lines Ltd., Heung Aline, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor, Nam Sung Shipping Vietnam… về tăng phụ phí với hàng container XK từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng phổ biến từ 50 - 200 USD/container và áp dụng luôn từ ngày 1-11-2020, tức chỉ vài ngày sau khi gửi thông báo tới khách hàng.

Ngoài tăng phụ phí, một số hãng tàu còn thông báo tăng phí phụ phí mùa cao điểm từ 150 - 450 USD/container. Để thuê được tàu XK, nhiều DN thủy sản đã phải trả phí gấp đôi, gấp ba so trước thời điểm tháng 10-2020. Hiện, mức thuê DN phải bỏ ra vào khoảng 7.200 USD/container (tăng hơn 5.000 USD). Dù vậy DN vẫn khó để có thể thuê được tàu đóng hàng…

Tại cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển trong thời gian qua do Cục HHVN và Cục XNK đồng chủ trì tổ chức chiều 12-1 tại TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng HHVN cho biết, ngay sau khi nhận phản ánh của các DNXK về tình trạng tăng giá bất hợp lý của các hãng tàu, cơ quan này đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, minh bạch thông tin về giá cũng như có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên song tới nay tình trạng tăng giá container vẫn diễn ra, khiến nhiều ngành hàng XK rơi vào thế khó. Cục HHVN cũng đã phối hợp Cục XNK tổ chức buổi làm việc với các hãng tàu, chủ hàng và hiệp hội tại khu vực phía bắc vào tháng 12-2020. Tuy nhiên, sau hơn hai tuần, các hãng tàu vẫn chưa có văn bản báo cáo gửi về Cục HHVN. Riêng đối với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng… sẽ có những cân nhắc phù hợp.

Về phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải khẳng định, giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động XNK, đặc biệt là XK. Quan hệ giữa chủ tàu và chủ hàng là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, các hãng tàu cần minh bạch giá cước, chia sẻ chi phí với chủ hàng để tránh tăng giá quá cao. Bộ Công thương và Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa các bên.

Xét đề nghị của Bộ Công thương tại Văn bản số 9918/BCT-XNK ngày 23-12-2020 về chi phí XNK hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau: Bộ Công thương, Bộ GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động phối hợp các cơ quan, hiệp hội, DN liên quan để có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động XK hàng hóa trước tình trạng nêu trên; kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).