MSB mập mờ xử lý tàu gán nợ

Cáo bạch niêm yết công bố ngày 14-12-2020 của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) nêu, dự kiến sẽ “xử lý thanh lý 35 con tàu” đã nhận gán nợ trong thời gian ba năm, kể từ năm 2020.

Đây là một trong số tàu mà Maritime Bank, ngân hàng tiền thân của MSB, đã từng nhận nợ.
Đây là một trong số tàu mà Maritime Bank, ngân hàng tiền thân của MSB, đã từng nhận nợ.

Ngân hàng sở hữu nhiều tàu biển

Theo ghi nhận tại Cáo bạch niêm yết của MSB, tổng giá trị của 35 tàu này tại thời điểm nhận gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại thời điểm ngày 30-9-2020. Đáng chú ý, về thời gian, MSB cho biết đã nhận gán nợ số tàu này từ năm 2015 đến nay, với tổng số 38 tàu, đã bán hai (02) tàu và và một (01) xác tàu (chìm) vào năm 2019.

Theo nguồn tin riêng của Thời Nay, phần lớn số tàu này đóng trong khoảng năm 2010. Trong đó, cũng có những con tàu đóng trước đó. Và hai tàu “già” nhất (một tàu đóng năm 1996 , một tàu đóng năm 1998) trọng tải hơn 24 nghìn và gần 30 nghìn tấn. Trong đội tàu, có tám (08) tàu trọng tải từ 7.000 tới 12 nghìn tấn. Còn lại (25 tàu) có trọng tải trong quãng từ 2.000 - 5.000 tấn, đóng tại Nam Định, Hải Phòng. Chất lượng vận hành số tàu này rất kém, số tàu có chất lượng bảo đảm có thể tiếp tục vận hành được là khá ít.

Lưu ý là, giai đoạn 2015 đến nay thị trường vận tải biển chưa hồi phục, giá tàu thế giới và Việt Nam giảm mạnh. So sánh giữa giá trị nhận gán nợ và trọng tải tàu cho thấy, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu này (chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân trong nước) với giá trị 103,68 tỷ đồng mỗi tàu, tức là ở mức rất cao. Chưa rõ MSB đã nhận tài sản tàu biển gán nợ theo nguyên giá, hay đã định giá lại (?).

Được biết, trong số tài sản gán nợ của MSB có hơn 20 tàu biển của Công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) ALC I và ALC II (thuộc Agribank). Trong đó, ALC II đã phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ.

Trong các báo cáo tài chính công bố gần đây, MSB không cho biết, tổng dư nợ tàu biển các CTCTTC trên là bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được bao nhiêu.

Thực tế, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017, chính MSB cũng nhận lại nợ tàu biển từ ngân hàng khác và rất tích cực cho vay đóng tàu biển mới, hoặc nhận nợ đóng tàu dở dang, cho vay tiếp để hoàn thiện tàu biển đóng mới, đặc biệt với một số doanh nghiệp (DN) tại Thái Bình. Tổng số vốn MSB đã cho vay chỉ vào hoạt động này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có thông tin nhiều tàu trong số này đã được MSB tài trợ vượt cả giá trị thực tế đóng.

Báo cáo tài chính và các thông tin từ MSB không đánh giá cụ thể, hay công bố kết quả về hoạt động cho vay với ngành vận tải biển. Tuy nhiên, có lý do tin chương trình này là không hiệu quả. Vì bản thân việc buộc phải nhận gán nợ lại 38 tàu biển trị giá tới 3.940 tỷ đồng đã cho thấy các chủ tàu đã không trả nợ đúng cam kết. Hiện chưa rõ MSB đã hạch toán các khoản chủ tàu không trả nợ (không gồm giá trị gán nợ) vào đâu?
Xét về số lượng đã cho vay đóng mới và 38 tàu biển nhận gán nợ, MSB hiện sở hữu nhiều tàu biển nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam. Tuy không phải là ngân hàng bị xóa tên do nguyên nhân từ nợ tàu biển, nhưng hiệu quả hoạt động cho vay tài trợ tàu biển của MSB có thể so sánh với Habubank, khi buộc phải tiếp nhận lại các tài sản đã cho vay.

Cáo bạch… thiếu thông tin!
 
Dù có công bố, nhưng bản Cáo bạch của MSB lại thiếu những thông tin liên quan tới lô 38 tàu gán nợ. Cụ thể, MSB chưa cho biết, ngân hàng này có trích lập dự phòng cho những con tàu nhận gán nợ (về bản chất là nợ xấu này) chưa? Nếu MSB có trích lập dự phòng rồi thì ở mức là bao nhiêu?
 
Đồng thời, theo Cáo bạch, MSB cho biết, vẫn đang cho thuê 35 tàu này. Với 33 tàu trong số đó do Công ty CP Container phía Nam (Viconship Saigon) thuê, còn lại hai con tàu (An Phú 15 và Thành Vân 16) thì cho Công ty Thành Vân thuê.
 
Ở đây, có vấn đề đáng lưu ý, Viconship Saigon được cho là công ty có liên hệ về sở hữu với hệ thống DN liên quan tới MSB và Công ty CP Đầu tư TNG HOLDINGS Việt Nam (TNG) - tập đoàn “mẹ” của MSB. Nói cách khác, số tàu này hiện đang chủ yếu do chính hệ thống của MSB và TNG kinh doanh.

Thực tế, các DN ngành vận tải biển Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Nguồn tin riêng của Thời Nay cho biết, rất nhiều DN thuê tàu của MSB thông qua Viconship Saigon không trả được tiền thuê tàu, đồng nghĩa với việc Viconship Saigon cũng không trả được tiền thuê tàu cho MSB. Tức là nợ phải thu từ kinh doanh tàu biển của ngân hàng này thực tế vẫn đang tăng lên và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.

Còn Cáo bạch của MSB cho biết, theo nghị quyết HĐQT ban hành tháng 3-2020, MSB đang tập trung tìm kiếm đối tác để thực hiện thanh lý lô tàu này. Trong năm 2020, MSB dự kiến bán bảy (07) tàu, thực tế mới chỉ bán được một (01) tàu. Dự kiến trong vòng ba năm tới, MSB sẽ thanh lý hết số 35 tàu này. Nhưng trong Cáo bạch lại không đưa ra con số dự kiến tổng thu được sau khi thanh lý xong toàn bộ lô tàu.

Hiện, một số tàu đang được MSB chào bán với giá trên dưới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá này vẫn cao so giá tại thời điểm hiện tại. Đã thế, không ít trong số tàu này chỉ có thể bán thanh lý để phá dỡ thu hồi sắt vụn. Nhưng ngay cả với giá bình quân chỉ 20 tỷ đồng mỗi tàu này, việc bán hết cả lô 35 con tàu trong ba năm tới cũng chỉ tối đa thu về cho MSB khoảng 700 tỷ đồng. Tức là, khả năng thu hồi chỉ đạt chưa tới một phần sáu giá trị lô tàu tại thời điểm nhận gán nợ, chứ chưa tính tới giá trị đã cho vay tại thời điểm đầu tư.

Điều đó có nghĩa, việc thiếu những thông tin về các chương trình đầu tư cho vay tàu biển, nhận gán nợ tàu biển, cho thuê tàu biển, bán thanh lý tàu biển của MSB trong Cáo bạch của MSB ẩn chứa những chủ đích của MSB về việc mập mờ trong giải quyết đống nợ nần này.

Đây là điều mà các cổ đông của MSB và các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán cần được biết và có quyền được biết!